Ngành học bạn trẻ cực mê, ra trường hứa hẹn lương ‘khủng’: Sắp có ở Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - Tại Việt Nam, ngành game là một ngành có nhiều tiềm năng để khai phá. Vì vậy mà việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn tốt trong ngành được quan tâm nhiều hơn.

Học viện Bưu chính Viễn thông mới đây đã đề xuất lên Bộ GD-ĐT mở ngành đào tạo mới là công nghệ game. Theo như dự kiến, trường sẽ xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành này trong năm 2023. Ở trên thế giới, ngành công nghiệp game là ngành học nhận được rất nhiều sự quan tâm nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa có trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về ngành này.

Trong ngành game có hai mảng chính là lập trình game và thiết kế game. Đây là các quá trình xây dựng, thiết kế và phát triển game nhằm phục vụ yêu cầu giải trí của người chơi. Cụ thể là lên ý tưởng, phát triển ý tưởng, quản lý dự án, xây dựng kịch bản trò chơi, màn chơi,… Tiếp đến là công đoạn lập trình, vẽ đồ họa của game, sửa lỗi game và cuối cùng là tung sản phẩm ra thị trường. Hiện nay nhu cầu giải trí của con người ngày càng được nâng cao đồng nghĩa với việc các sản phẩm ra mắt trên thị trường càng cần phải đáp ứng tốt đa dạng các yếu tố như đồ họa đẹp, cốt truyện hay, mới lạ và khác biệt,…

Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt nhân lực ngành game có trình độ cao, có khả năng làm chủ quy trình thiết kế, phát triển cho đến triển khai kinh doanh game. Chính vì vậy mà việc đào tạo chuyên sâu về ngành này sẽ giúp đáp ứng được các yêu cầu trên thị trường.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sau nhiều năm nghiên cứu, dự kiến sẽ mở ngành đào tạo mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game. Chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ game được xây dựng theo quy trình CDIO dựa trên khảo sát kỹ lưỡng các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo game của các trường đại học hàng đầu đào tạo về game như New York University, University of Southern Califonia hay Digipen Institute of Technology. Dự kiến thời lượng đào tạo là 4 năm, hướng tới hai vị trí: Nhà thiết kế game (Game designer) và phát triển game (Game developer).

Chương trình đào tạo phải đảm bảo các khối kiến thức đều có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và khoa học xã hội như tâm lý, văn hóa, nhất là kiến thức về pháp luật, an toàn bảo mật để định hướng sinh viên tốt nghiệp làm những game không chỉ thu hút người chơi mà còn an toàn, lành mạnh.

Số liệu của một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất trên thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025. Thị trường game của Việt Nam xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á về doanh thu. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt chủ yếu đóng vai trò nhà phát hành game hơn là sản xuất. Vậy nên tỉ trọng đóng góp cho ngành game đang không tương xứng với doanh thu. Chính vì điều đó, việc thêm ngành game vào chương trình đào tạo của các trường đại học là điều kiện tốt để khai thác thêm tiềm năng ngành ngày trong tương lai.

“Ngành Game tại Việt Nam trong tương lai không thiếu gì, chỉ sợ thiếu người”. Đó chính là lời khẳng định chắc chắn dành cho tương lai nghề nghiệp của các bạn trẻ muốn gia nhập ngành công nghiệp game đầy triển vọng tại Việt Nam.

Ngoài đam mê với game, người học cũng phải có nhiều kỹ năng cần thiết. Chẳng hạn như yếu tố sáng tạo để tạo ra được tính giải trí và sự khác biệt mà game đem lại. Ngoài các kỹ năng chuyên môn như thành thạo ngôn ngữ lập trình, sử dụng linh hoạt các công cụ đồ họa, tư duy phân tích,… thì khả năng làm việc nhóm cũng không kém phần quan trọng. Một phiên bản game hoàn chỉnh là thành quả của sự kết hợp từ rất nhiều bộ phận khác nhau như game artist, game animator,…

Thu nhập của ngành game hiện đang ở mức khá cao và còn có thể tăng thêm trong tương lai. Tờ Glassdoor của Mỹ cho biết thu nhập trung bình của lập trình game và thiết kế game có thể lên đến 87,146 USD/năm. Đặc biệt, với trình độ chuyên môn tốt và kinh nghiệm lâu năm, mức lương còn có thể cao hơn.

Ngoài Học viện Bưu chính Viễn Thông, trước đó trường Cao đẳng FPT Polytechnic cũng đã mở chương trình đào tạo lập trình game với thời gian 2 năm (6 học kỳ liên tục), mở ra cơ hội việc làm mới cho hàng nghìn bạn trẻ Gen Z. Tương lai không xa, nguồn nhân lực cho ngành game là khá cần thiết nhưng cũng không kém phần cạnh tranh. Vậy nên việc liên tục trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn là yêu cầu cơ bản để có được công việc tốt trong ngành này.

Tác giả: Trần Thu Thủy