Công nghệ thực phẩm là ngành chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản và thực phẩm. Ngành học này có liên quan đến các lĩnh vực ăn uống, an toàn thực phẩm,… nhằm tối ưu hóa dinh dưỡng trong việc phục vụ nhu cầu ăn uống của cộng đồng.
Khi mà chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao thì ngành này chắc chắn sẽ sớm trở thành xu hướng trong tương lai. Cụ thể, Việt Nam hiện có dân số là hơn 90 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 7,5%, nhu cầu tiêu dùng đối với các thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú cả về chất lượng lẫn mẫu mã, đặc biệt là sản phẩm sạch.
Chính vì vậy mà vai trò của ngành công nghệ thực phẩm đang ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhất là trong việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm sao cho được lâu, giữ được hương vị và chất lượng như mong muốn.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm của con người ngày một tăng cao. Để đáp ứng điều đó, thực phẩm được chế biến thành nhiều dạng sản phẩm khác nhau. Vậy nên vai trò của ngành công nghệ thực phẩm vô cùng thiết yếu trong việc nghiên cứu, thực hiện chế biến, sản xuất các sản phẩm một cách tiện lợi và tốt cho sức khỏe.
Do quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, nguồn nhân lực của ngành công nghệ thực phẩm cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Các nhà máy sản xuất, chế biến với các dây chuyền hiện đại sẽ thay thế cho quy trình thô trước đây. Điều này đòi hỏi một lực lượng nhân lực chuyên môn cao, có năng lực làm việc tốt. Chính vì vậy mà chuyên ngành công nghệ thực phẩm được đánh giá là ngành học có nhiều triển vọng trong tương lai. Sinh viên sau khi ra trường sẽ có nhiều lựa chọn việc làm, ít tính cạnh tranh.
Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến chế biên lương thực và thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, mua bán xuất nhập khẩu, phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… Bên cạnh đó, sinh viên còn có thể trở thành các chuyên gia tư vấn dinh dưỡng hay dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, làm việc tại các bộ phận liên quan đến việc kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng,… của các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và y tế dự phòng…
Ngành học này đã bắt đầu phát triển mạnh trên thế giới từ những năm 1970. Nhưng ở Việt Nam ngành này mới chỉ phát triển mạnh trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Tại Mỹ, những chuyên gia công nghệ thực phẩm có kinh nghiệm có thể nhận mức lương lên tới 99,251 USD/năm (khoảng hơn 2 tỷ đồng/năm). Còn ở Việt Nam, người có 3-5 năm kinh nghiệp sẽ nhận mức lương 7-10 triệu đồng/tháng. Người có trên 5 năm kinh nghiệm, tùy thuộc vào trình độ, kỹ năng và đóng góp mà mức lương của chuyên gia công nghệ thực phẩm có thể lên tới 30-50 triệu đồng/tháng.
Hiện nay một số trường đi đầu trong đào tạo ngành này có thể kể đến là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nhiệp, Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên, Đại học Nông lâm TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, Đại học Công nghiệp TP.HCM. Điểm chuẩn của ngành này năm 2022 dao động ở mức khá vừa tầm, từ 15-24,7 điểm. Xét tuyển chủ yếu ở các khối A00, A01, B00, D07,… kết hợp cùng nhiều phương thức xét tuyển khác.
Theo học ngành công nghệ thực phẩm, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức nền tảng, chuyên sâu về hóa học, sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm, phương pháp chế biến thực phẩm… Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, vận hành dây chuyền sản xuất, tổ chức, quản lý (công nghệ, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm) và điều hành sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Ngoài ra, sinh viên còn được thường xuyên thực hành trong phòng thí nghiệm, tập làm quen với công việc phân tích, đánh giá thực phẩm.