Ngành học hot có nhu cầu tuyển dụng cao: Lương tới 20 triệu/tháng vẫn thiếu nhân lực

( PHUNUTODAY ) - Giáo dục đặc biệt là ngành học có nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên khi nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn trên cả nước đang thiếu trầm trọng.

Vài năm trở lại đây, giáo dục đặc biệt đang là ngành nghề nhận được khá nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Chương trình giáo dục này bao gồm những chương trình dạy học đặc biệt, thiết kế và xây dựng dành riêng cho các bạn học sinh đặc biệt. Đó là những em bị chậm về tinh thần, tình cảm hoặc thể chất, chậm ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, tự kỷ,… ảnh hưởng chung đến sự phát triển tổng thể và gây ra vấn đề nhận thức, kỹ năng. Chính vì vậy các em cần một môi trường giáo dục đặc biệt, cũng là điều mà hầu hết các trường học truyền thống không đáp ứng được.

Phương pháp, chương trình và nội dung dạy của giáo dục đặc biệt mang tính thích nghi cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt, đáp ứng nhu cầu hoạt động, vui chơi, học tập theo khả năng của từng trẻ. Giáo dục đặc biệt có thể kịp thời giúp các trẻ có nhu cầu được can thiệp trị liệu, được học tập và phát triển tốt nhất như những trẻ bình thường, trẻ có thể sống và hòa nhập tốt hơn. Bên cạnh đó là nâng cao nhận thức của xã hội với những người khuyết tật, làm cho cuộc sống ngày càng công bằng và phát triển hơn.

Giáo dục đặc biệt khác với nghề giáo truyền thống khi không có một giáo án cụ thể mà được thay đổi cho phù hợp với mỗi cá nhân học sinh. Nội dung dạy học sẽ được điều chỉnh dựa trên nội dung cụ thể của môn học và chuẩn kiến thức kỹ năng môn học đó. Việc điều chỉnh phải thích ứng với trình độ nhận thức, khả năng học tập của lớp và cá nhân học sinh. Vậy nên công việc này đòi hỏi người thầy, người cô phải có sự tận tâm rất lớn trong quá trình giảng dạy.

Giáo viên trong ngành giáo dục đặc biệt cần phải có nhiều kỹ  năng chuyên môn và tố chất riêng biệt. Ngoài nghiệp vụ sư phạm, họ phải đặc biệt yêu trẻ, yêu nghề, biết lắng nghe, có nhiều sự cảm thông và nhẫn nại. Khó khăn lớn nhất chính là giúp trẻ trở nên cởi mở, bỏ qua những khiếm khuyết của bản thân để hòa nhập với cộng đồng. Ở các trường chuyên biệt, đa số các em khi được nhập học chưa được quan tâm để can thiệp sớm nên dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em vẫn rất ngây ngô, kỹ năng học tập cũng như giao tiếp hạn chế. Vì vậy khi nhận lớp giáo viên phải nắm chắc bệnh lý của học sinh và kỹ năng của từng em. Từ đó biết được độ tuổi phát triển của các em và sử dụng các biện pháp giáo dục hiệu quả.

Tài liệu học là một vấn đề khó khăn đối với người làm nghề. Vì đây là ngành mới so với những ngành học khác nên còn thiếu nguồn tài liệu tham khảo, thiếu giáo trình. Phần lớn tài liệu, tư liệu đều của nước ngoài nên rất khó để tiếp thu. Nhiều khi lên mạng kiếm tài liệu, trên mạng dịch nhưng không sát vào trọng tâm, chuyên môn nên dễ sai nên không dám áp dụng vào thực tế.

Với những vất vả và khó khăn như vậy, giáo dục đặc biệt nhận được nhiều đãi ngộ tốt từ cộng đồng. Mức lương nghề này hiện dao động từ 7 đến 20 triệu tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và chế độ của từng cơ sở làm việc. Bên cạnh đó, người có chuyên môn có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận tư vấn, trị liệu thêm những đối tượng có nhu cầu ở ngoài hoặc tự mở trung tâm của riêng mình.

Hiện giáo dục đặc biệt được nhận định là nghề có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên theo đuổi ngành này có thể làm việc như một giáo viên chăm sóc và giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Đây là các ngôi trường được lập ra để tạo môi trường học tập cho các trẻ khuyết tật. Hoặc có thể làm các vị trí cao cấp hơn như chuyên viên giáo dục đặc biệt lại các cơ sở giáo dục, cán bộ hỗ trợ trẻ khuyết tật tại các tổ chức xã hội, các Sở, Phòng Giáo dục – Đào tạo, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, cán bộ nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu về giáo dục hay cán bộ tư vấn giáo dục đặc biệt trong các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội, đoàn thể, các trung tâm, các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam.

Vì ngành giáo dục đặc biệt còn là một ngành nghề khá mới nên chưa có nhiều đơn vị trường đại học đào tạo chuyên sâu. Một số trường có dạy về ngành này có thể kể đến như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM. Năm 2022 điểm chuẩn của ngành này ở mức tương đối cao khoảng 19,1 – 27,5 điểm, tùy thuộc vào phương thức và khối xét tuyển như B03 (Toán, Sinh học, Ngữ văn), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh), D02 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga).

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link