Anh Lê Thành Quý (sinh năm 1983, ngụ ấp Cầu Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh) từng chặt bỏ hơn 1ha cao su đang tuổi thu hoạch để trồng 3.000 cây chà là, trở thành vườn kiểng có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Anh Quý tâm sự: “Trước khi chuyển đổi cây trồng, tôi dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng về kỹ thuật chăm sóc và giá trị kinh tế mà cây chà là mang lại. Vốn đầu tư ban đầu tôi bỏ ra khoảng 600 triệu đồng bao gồm tiền cây giống, phân bón, công thợ…”. Thấy anh sẵn sàng chi quá nhiều tiền cho một loại cây trồng nhiều rủi ro, không ít người gọi anh là “gã điên”. Nhưng anh không nản lòng mà quyết tâm học hỏi và trồng cho bằng được.
Anh Quý cho biết cây chà là tương đối dễ trồng và phù hợp với khí hậu Tây Ninh. Khi trồng, vất vả nhất là khâu xuống giống và chăm sóc ban đầu, sau đó người trồng tỉa lá và bón phân theo định kỳ. Loại cây này có lá nhọn, nhiều gai và tán to nên khá chiếm diện tích trồng. Mỗi cây chà là anh Quý trồng cách hàng 1,5m x 2m ngang dọc. Với khoảng cách rộng như vậy, anh Quý trồng xen sả để giảm cỏ dại đồng thời có thêm chi phí chi trả điện nước, phân bón.
Chỉ sau vài năm, cây chà là trong vườn của anh Quý bắt đầu cho trái ngọt. Tính từ gốc lên, chiều cao thân cây khoảng 20-30cm. Theo anh Quý, giá cây dao động theo chiều cao thân cây. Cây đạt chiều cao 1-1,5m là có thể xuất bán, giá thị trường khoảng 2,5-3 triệu đồng/cây cao từ 1m. Lúc này, anh Quý bắt đầu thu hồi vốn và nhận về lãi cao nhờ vườn chà là.
Ông Nguyễn Văn Xuân (ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) cũng thành công trong nhân giống cây chà là. Vườn chà là của vợ chồng ông Xuân nay đã cho sai trĩu quả, màu vàng rực rỡ khiến nhiều người thích thú, rủ nhau đến chụp ảnh. Ông Xuân là một trong những người đầu tiên đem giống cây này từ nước ngoài về nên quá trình nhân giống cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông bắt đầu trồng chà là vào năm 2014. Năm đó ông đến Thái Lan du lịch thì nhìn thấy cây này có trái to, trổ thành buồng màu vàng óng nên mua 30 cây đang cho trái về trồng.
30 cây này chỉ cho trái một vụ duy nhất rồi không sinh sản tiếp. Theo lời ông Xuân, đó là do ông chưa chăm sóc đúng và cây chưa thích nghi với đất trồng. Sau đó ông phải chặt bỏ một số cây và tiếp tục nhập cây về trồng. Dần dần cây thích nghi tốt với khí hậu miền Tây, nhất là khu vực đất cát pha ông Xuân đang sống.
Ông Xuân đã tốn hàng chục triệu đồng đầu tư vào vườn chà là nhưng không thu về được gì thời gian đầu. Nhưng nhờ chăm chỉ học hỏi kiến thức trên mạng, đến năm 2019 cây chà là của ông Xuân đã cho trái đều. Tới mùa cây ra trái, vườn chà là của ông nhuộm vàng vô cùng đẹp mắt, nhanh chóng thu hút nhiều người đến check in, vợ chồng ông mở cửa miễn phí. Khách có nhu cầu mua trái, ông Xuân bán giá 500.000 đồng/kg. Khách mua cây con thì giá 3 triệu đồng/cây.
Hiện nay nhiều cơ sở, doanh nghiệp tìm đến vườn của ông Xuân mong muốn thu mua số lượng lớn nhưng cung không đủ cầu. Ông Xuân cũng tạo hình cây chà là kiểng để bán cho nhiều người muốn mua về làm bonsai trưng. Chà là tươi, chà là sấy khô của Việt Nam có giá rẻ hơn trái nhập khẩu từ 200.000 – 300.000 đồng. Vậy nên người tiêu dùng có thể sử dụng nhiều hơn mà không lo về giá.
Tác giả: Trần Thu Thủy