Ngủ ngáy khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thai nhi

( PHUNUTODAY ) - Con do mẹ bầu ngủ ngáy sinh ra bị thiếu cân và gặp phải một loạt vấn đề về sức khỏe.

Nhiều người coi ngáy là một phần của cuộc sống mà không lo lắng liệu có hại gì cho sức khỏe không. Thế nhưng một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng ngáy không chỉ ảnh hưởng đến mẹ bầu mà còn tác động tiêu cực tới cả thai nhi trong bụng.

Ngủ ngáy khi mang thai dễ sinh con bị nhẹ cân.

 

Ngáy có thể do chứng rối loạn giấc ngủ gọi là chứng ngưng thở khi ngủ gây ra. Hiện tượng này xảy ra vài lần một đêm, hoặc nghiêm trọng hơn có thể lên đến hàng trăm lần, làm giảm lượng oxy trong máu. Nếu không điều trị kịp thời, ngáy có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật và cao huyết áp ở phụ nữ mang thai.

Chính vì lí do này, các bác sĩ lo ngại rằng những đứa trẻ trong bụng mẹ cũng bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Để tìm ra những rủi ro ngủ ngáy gây ra, các nhà khoa học đã theo dõi hơn 1.600 mẹ bầu, trong đó có khoảng 1/3 thường xuyên ngủ ngáy. Không ít mẹ bầu ngủ ngáy phải mổ đẻ, nghiêm trọng hơn, nhiều người trong số ấy phải mổ lấy thai cấp cứu. Ngoài ra, trẻ sinh ra bởi mẹ ngủ ngáy khi mang thai có cân nặng dưới mức trung bình. Thực ra cân nặng dưới mức trung bình cũng không quá đáng ngại, tuy nhiên trẻ nhẹ cân thường gặp một số vấn đề về sức khỏe chẳng hạn như ngạt, viêm phổi, đa hồng cầu v.v.

Do vậy, mẹ bầu mắc phải chứng ngủ ngáy cần phải đến khám bác sĩ để điều trị ngay, tránh gây ảnh hưởng xấu tới em bé trong bụng. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra nồng độ oxy trong hơi thở để tìm ra nguyên nhân và thậm chí là khắc phục chứng ngáy ngủ ở mẹ bầu, không chỉ giúp mẹ bầu có giấc ngủ ngon hơn mà còn bảo vệ sức khỏe thai nhi.

 

Một số biện pháp đơn giản khắc phục chứng ngủ ngáy tại nhà cho mẹ bầu:

Tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày.

Nằm nghiêng khi ngủ: Khi nằm ngửa, lưỡi và vòm họng sẽ chặn lại hơi thở, gây ra hiện tượng ngáy ngủ.

Xịt mũi bằng nước muối sinh lí.

Tránh không dùng các loại thuốc an thần và thuốc ngủ bởi các loại thuốc này làm giãn các cơ mặt sau của cô họng, khiến cho hơi thở nặng nề hơn.

Hát hoặc thổi nhạc cụ: tăng khả năng kiểm soát cơ bắp ở họng và vòm miệng.

Đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định.

Tác giả: Nguyễn Văn Nghĩa