Người mệnh nào rất hợp trồng cây Lưỡi Hổ?

( PHUNUTODAY ) - Lưỡi hổ là loại cây phong thủy có nhiều ý nghĩa cát tường, vậy người mệnh nào rất hợp trồng cây Lưỡi Hổ?

Cây lưỡi hổ là cây gì?

Cây lưỡi hổ là loại cây cảnh, thường được trồng trong vườn, trong nhà để làm đẹp không gian. Tên khoa học là Sansevieria trifasciata, chiều cao khoảng 50 - 60cm.

Đặc điểm của cây lưỡi hổ là có thân dạng dẹt, mọng nước, nhìn có vẻ sắc nhọn nguy hiểm nhưng thân rất mềm, không làm đứt tay khi chạm vào. Trên thân có 2 màu xanh và màu vàng dọc từ gốc đến ngọn. Cây lưỡi hổ khi ra hoa nở thành từng cụm, mọc từ phần gốc lên và có quả hình tròn.

Lưỡi hổ là loại cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, có tới hơn 70 loài khác nhau như: cây lưỡi hổ cọp, cây lưỡi hổ Thái, cây lưỡi hổ xanh... nhưng phổ biến nhất hiện nay là lưỡi hổ Thái và lưỡi hổ cọp.

Ý nghĩa phong thủy của cây lưỡi hổ

Theo quan niệm của nền văn hóa phương Tây và phương Đông, cây lưỡi hổ trong phong thủy có tác dụng trong việc trừ tà, chống lại sự bỏ bùa, đẩy lùi những điềm xấu, đem lại may mắn và tài lộc cho gia chủ.

Lưỡi hổ còn là món quà ý nghĩa với mong muốn cầu chúc may mắn đến với bạn bè, người thân. Chúc thành công với đối tác. Mừng năm mới tài lộc dồi dào. Mừng tân gia an cư lạc nghiệp.

Theo phong thủy, cây lưỡi hổ còn có tác dụng xua đuổi ma quỷ. Lá lưỡi hổ có hình con dao sắc và được xem như là sức mạnh của chúa sơn lâm nên có khả năng xua đuổi tà khí, hạn chế các xui xẻo đến với gia đình.

Do vậy mọi người thường thấy cây lưỡi hổ được trồng thành một hàng rào trước nhà hoặc trồng thành hàng trước cửa các tòa nhà.

Người mệnh nào hợp cây Lưỡi Hổ

Mệnh Kim và Thổ đặc biệt thích hợp trồng cây lưỡi hổ. Nếu trồng chậu thì hai mệnh này cần chú ý như sau:

Mệnh Kim: dùng bình tròn, vuông, chữ nhật; tránh những chậu có góc nhọn hoặc đường cong thanh lịch.

Mệnh Thổ: dùng chậu hình vuông, chữ nhật hoặc có cạnh nhọn, chậu hình chóp; tránh sử dụng chậu dài.

Tác dụng đối với sức khỏe của cây lưỡi hổ

Lưỡi hổ là một trong những loài cây có rất nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên các công dụng chữa bệnh của cây lưỡi hổ không phải ai cũng biết.

- Lọc không khí: Nếu trồng lưỡi hổ trong nhà có rất nhiều công dụng như khiến giấc ngủ ngon hơn do cây lưỡi hổ có chức năng hấp thụ CO2 và thải ra O2 ngay cả ban đêm. Lá cây có khả năng hút bám bụi nên không khí trong nhà sẽ luôn luôn trong lành.

- Làm giảm dị ứng ở da: Thân cây mọng nước, do đó, lá cây lưỡi hổ có tác dụng tương tự như lá nha đam, có tính sát khuẩn, kháng viêm. Nếu làn da bị bỏng, rộp, cháy nắng, dị ứng nổi mẩn ngứa hay bị xước do va chạm, bạn có thể cắt lá lưỡi hổ và đắp lên trên vết thương để sát khuẩn nhanh chóng, hạn chế để lại vết thâm.

- Dùng làm chất sát khuẩn trên da: Do có tính sát khuẩn, một số chị em phụ nữ thường dùng gel của cây lưỡi hổ giống như sữa tắm, nước rửa tay, rửa chén để tiêu diệt vi khuẩn có hại trên da, từ đó giúp làn da căng mịn và thơm mùi chất gel trong cây.

- Dùng làm nước súc miệng: Gel lưỡi hổ có tính kháng khuẩn, mùi thơm dễ chịu đi cùng đặc tính thảo dược, do đó khi sử dụng gel của cây như một dung dịch xúc miệng sẽ giúp giảm sâu răng, khử hôi miệng và trị chứng chảy máu chân răng rất tốt.

- Dùng cây lưỡi hổ trị hen suyễn: Hen suyễn, căn bệnh gây ám ảnh với những người mắc phải nhất là khi thời tiết trở nên hanh khô. Để ngăn chặn cơn suyễn kéo dài, giúp việc hô hấp dễ dàng hơn, bạn có thể tận dụng ngay cây lưỡi hổ có trong gia đình. Khi cơn suyễn đến, bạn hãy lấy một lượng gel lưỡi hổ cho vào nước sôi và hít hơi nóng bốc lên, các tinh chất chống viêm theo hơi nước bám lên niêm mạc mũi, họng, giúp cơn suyễn nhanh chóng kết thúc, bạn có thể thở một cách dễ dàng hơn.

- Giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi: Khi làm việc trong không gian kín, ít không khí, có nhiều thiết bị điện tử như các tòa nhà văn phòng, cao ốc trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi, căng thẳng. Do đó, hầu hết văn phòng công ty đều lựa chọn trồng cây lưỡi hổ, giúp giảm stress, tạo màu sắc tươi mới, đem đến cảm giác thư thái, bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Tác giả: Thạch Thảo