Công an quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội cho biết đang trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền bị chiếm đoạt lên tới 4,5 tỷ đồng.
Cụ thể, nạn nhân là bà N (sinh năm 1960, trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Ngày 18/01/2024, bà N có nhận được điện thoại từ một số lạ. Đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói rằng bà N có liên quan đến một vụ rửa tiền và buôn bán ma túy. Để phục vụ cho công tác điều tra và chứng minh mình không liên quan đến vụ án, đối tượng yêu cầu bà N kê khai tài sản. Đứng trước những thông báo này, bà N lo sợ nên đã làm theo yêu cầu của đối tượng, chuyển vào tài khoản của hắn số tiền 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó bà N đã phát hiện ra mình bị lừa và làm đơn trình báo tới cơ quan Công an.
Một trường hợp khác cũng liên quan đến vấn đề mạo danh cơ quan Công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra với chị A, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chị A nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là "cán bộ công an quận Hai Bà Trưng". Người này yêu cầu chị có mặt tại công an quận vào lúc 10h sáng để cập nhật thông tin bằng lái xe. Tuy nhiên, chị A nói rằng mình bận không thể trực tiếp đi được. Người đàn ông này lập tức hướng dẫn chị cách cập nhật qua mạng. Kẻ giả mạo đã hướng dẫn chị A tải ứng dụng Dịch vụ công giả. Sau đó, đối tượng đã chiếm đoạt 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của chị A.
Trên thực tế, thời gian qua, cơ quan Công an cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa ra các cảnh báo về những thủ đoạn giải danh cơ quan Công an để chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên vẫn có không ít người sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội cho biết riêng trong tháng 1/2024, đơn vị này đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 người về việc bị chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền lên tới 20,6 tỷ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất là 15,3 tỷ đồng, ít nhất là 252 triệu đồng.
Lực lượng chức năng đề nghị người dân hết sức cảnh giác và cần tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo để tránh "sập bẫy" của kẻ xấu.
Cơ quan Công an nêu rõ, khi cần làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương. Đặc biệt, cơ quan Công an tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản. Khi thấy các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo, các đối tượng lừa đảo có thể tạo ra những ứng dụng có giao diện giống với ứng dụng Cổng dịch vụ công. Chúng sẽ giải danh cán bộ Công an phường/Công an quận gọi điện cho người dân và thông báo các nội dung như Căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế... Tiếp đó, chúng sẽ hướng dẫn người dân thực hiện cập nhật qua mạng với yêu cầu cài đặt ứng dụng giả mạo vào điện thoại. Kẻ lừa đảo sẽ đưa ra một số lý do như công an quận phải hoàn thành công việc ngay trong ngày, cài phần mềm để lấy số thứ tự nhanh không phải chờ đợi, cập nhật trực tiếp trên ứng dụng được... để thuyết phục người dân cài ứng dụng giả.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Năm 2024 tiền thai sản có thay đổi khi bỏ lương cơ sở không, quy định cụ thể ra sao
-
Cách phân biệt Căn cước công dân giả mạo tránh lừa đảo: Chú ý 3 chi tiết quan trọng này
-
Loại cây trước chỉ trồng làm cảnh, nay quả của nó trở thành món đặc sản, dịp Tết bán giá 160.000 đồng/kg
-
Loại hộ chiếu (passport) mới: Duy nhất 1 đối tượng người này mới có đủ điều kiện làm
-
Tin vui cho người cao tuổi: Có thể nhận mức cao nhất hơn 1 triệu đồng/tháng từ tháng 2/2024?