Nhiều người có thể bị rối loạn tâm thần trong đại dịch: Ru rú ở nhà, lo bệnh, lo đói, lo đủ thứ

( PHUNUTODAY ) - Dịch bệnh kéo dài kéo theo rất nhiều hệ lụy. Dễ thấy nhất là người dân phải nghỉ việc, mất việc, không có tiền mà lại phải ở nhà gần như 100% thời gian. Chính vì thế dẫn tới nguy cơ bị rối loạn tâm thần.

Cảnh báo rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch nCoV

Đó là cảnh báo của GS. TS. BS. Cao Tiến Đức (nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, BV Quân y 103). Theo ông, nCoV tạo ra một dạng sang chấn nghiêm trọng tác động tới tâm lý con người khiến mọi người dễ mắc chứng rối loạn tâm thần như: trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn.

Theo Tiến sĩ Đức: Có nhiều yếu tố tác động khiến bệnh nhân tâm thần gia tăng và trầm trọng hơn trong đại dịch này. Cụ thể:

Việc giãn cách xã hội cũng khiến áp lực tâm lý của mọi người tăng lên. Ngoài nỗi lo về dịch bệnh còn có nỗi lo 'nghèo đói' đè nặng.

Các ngành nghề sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, cửa hàng buôn bán phải đóng cửa, doanh nghiệp ngừng sản xuất do công nhân nhiễm bệnh.

Rất nhiều người do giãn cách xã hội mà không có nhu nhập khiến cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Đã nghèo đói, không có tiền của lại phải ở nhà giãn cách ngày ngày hết ăn lại nằm nhưng tiền điện, tiền nhà, chi phí sinh hoạt thì vẫn cứ phát sinh. Chính vì thất nghiệp nhưng phải gánh trên mình nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến tâm lý người trưởng thành áp lực nặng nề.

Con người vốn luôn có nhu cầu giao tiếp xã hội. Khi ở nhà giãn cách, không được giao lưu tiếp xúc cũng khiến mọi người bức xúc, khó chịu vì căng thẳng không được giải tỏa. Những người ở một mình không biết nói chuyện với ai.

Tiếp theo là chuyện gia đình vợ chồng có xích mích cũng không biết giải tỏa chỗ nào. Con cái ở nhà mình phải tự lo, mà nhất là mẹ nào phải dạy con học ý là tức lắm luôn. Sự bực bội cứ tích dần khiến con người ta u uất kéo dài dẫn tới stress, lo âu, trầm cảm…

Tiến sĩ Đức và các cộng sự tại khu cách ly nhận thấy: Đối tượng cách ly, người phục vụ, người dân trong cộng đồng bị phong tỏa… có phản ứng tâm lý rất mạnh. Trong đó, người già, phụ nữ, trẻ em và những người có trình độ học vấn thấp là đối tượng dễ bị tác động tâm lý hơn cả. Vì vậy, những người này dễ mắc các rối loạn tâm thần hơn.

Đối với mỗi người, đại dịch này còn không chỉ gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho cả ngươi bệnh lẫn người bình thường. Người bệnh thì sợ mình bị nặng thêm còn người bình thường thì sợ hãi mình bị bệnh.

Nhất là người cao tuổi, người có bệnh mạn tính… vì đây là đối tượng dễ nhiễm mà cũng dễ qua đời. Rồi những em nhỏ đi cách ly không được gần cha mẹ, những người trong gia đình có F0 vừa phải chăm sóc người bệnh, lo phòng bệnh và còn phải nhận sự kỳ thị của người xung quanh. Hoặc những gia đình có người không may mất vì nhiễm bệnh dịch… Tất cả những điều này đều là chấn thương tâm lý nghiêm trọng.

Đối với người đang có bệnh sẵn: 30% bệnh nhân mắc nCoV có di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh. Mắc nCoV càng nặng thì các rối loạn tâm thần càng tăng. Thậm chí, một số trường hợp mắc nCoV còn có biểu hiện suy giảm trí nhớ, một số ảnh hưởng tới trí tuệ như sa sút trí tuệ. Mức độ tuy không quá nặng nhưng cũng gây ra nhiều bất lợi. Các tác động trực tiếp của nCoV là gây tổn thương phổi, đường hô hấp. Nhưng cũng đồng thời khiến các cơ quan khác trong đó có não bị tổn thương.

Cảnh báo của chuyên gia

Như vậy, theo GS. Cao Tiến Đức, đại dịch này là một sang chấn, sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao.

Chống dịch như chống giặc, sẽ có những tổn thất về mặt tinh thần, sức khỏe nhưng chuyên gia cùng khuyên không nên quá lo lắng, việc lúc này chúng ta cần làm là tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch để tự bảo vệ cho mình và cho cộng đồng. Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh tật.

Tác giả: Thạch Thảo