Người Nhật không chỉ dạy trẻ về hỏa hoạn từ khi các bé mới tập bò, mà trẻ em Nhật còn được giáo dục để là người hùng bảo vệ cho chính bản thân và những người xung quanh khi có cháy nổ. Trái ngược với người Nhật, mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, người Việt thường cảm thấy sợ hãi trước 'bà hỏa' mà ít có khả năng, tư thế chủ động phòng chống và cũng ít được trang bị những kỹ năng sơ cứu, cứu nạn cơ bản. Điều này trái ngược tại Nhật, nơi trẻ em ngay từ khi biết bò đã được giáo dục để làm quen với thảm họa.
Cách dạy trẻ đối phó với "bà hỏa" của người Nhật
Trên youtube, có thể dễ dàng tìm thấy những clip trẻ em Nhật khi còn đang bò đã được làm quen với hiệu lệnh báo hỏa hoạn và lánh nạn. Ngay trong sách kinder book cho trẻ mẫu giáo, nội dung lánh nạn khi có thiên tai, hiểm họa cũng được đưa vào giảng dạy. Chẳng hạn như các bé tuân theo chỉ thị của người lớn ra sao, hành động, di chuyển như thế nào... đều được dạy chi tiết.
Sách kinder book cho trẻ mẫu giáo Nhật hướng dẫn các bé kỹ năng lánh nạn cơ bản:
Giữ trật tự để nghe mệnh lệnh từ người lớn. Tuyệt đối không trở lại nơi nguy hiểm. Khi chỉ có một mình, hãy gọi sự trợ giúp từ người lớn. Ba mẹ hãy cùng bé thảo luận khi có thảm họa thì trong gia đình sẽ làm gì?
Trong quá trình lánh nạn bé không chen lấn xô đẩy. Không chạy nhanh tránh vấp ngã hoặc làm các bạn ngã theo, có thể gây ra thương tích.
Nội dung giáo dục này được lặp đi lặp lại và diễn tập từ khi người Nhật còn là trẻ em tới khi trở thành người trưởng thành đi làm trong các cơ quan công sở theo mỗi năm. Cá biệt, tại các cấp học phổ thông, nội dung phòng chống hiểm họa được thực hành nhiều lần trong năm, với nhiều trường hợp cụ thể. Ngay cả nước ngoài như chúng tôi, ngoài hoạt động tập huấn thường niên tại công ty của mình, còn thường xuyên được các hiệp hội liên kết với người nước ngoài của thành phố mời tới dạy phòng cháy chữa cháy và tuân thủ luật giao thông.
Phương pháp dạy khoa học
Nội dung tập huấn về phòng chống hỏa hoạn và cứu nạn được phân chia rất cụ thể theo từng cấp học, tương ứng với sự linh hoạt và khả năng của mỗi độ tuổi.
Ở cấp học mẫu giáo, các em bé được chú trọng giáo dục để đạt các mục tiêu:
- Có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi khi xảy ra hỏa hoạn và động đất.
- Học để bảo vệ mình khỏi thiên tai như thông qua tập sơ tán.
Trong trường hợp có thảm họa xảy ra, tuyệt đối không rời khỏi người lớn xung quanh, có thể cùng nhau hành động phù hợp với hướng dẫn của người chịu trách nhiệm.
Ở cấp tiểu học, các bé cần được dạy để đạt được các mục tiêu:
- Lo ngại với khả năng xảy ra thảm họa.
- Sẵn sàng chuẩn bị cho thảm họa.
Trong trường hợp có thiên tai xảy ra, có thể hành động một cách thích hợp theo hướng dẫn của người lớn xung quanh.
Tới cấp học trung học, các em bé sẽ được giáo dục kỹ hơn để:
- Nhận biết và hiểu được cơ chế, nguyên nhân xảy ra thiên tai, thảm họa.
- Ngay cả khi không có sự hướng dẫn của người lớn, có thể bằng suy nghĩ, phán đoán mà hành động đảm bảo an toàn.
- Cảm nhận được các trường hợp nguy hiểm.
- Hiểu biết và thực hành các kỹ năng cơ bản trong việc dập lửa, sơ cứu, cứu thương.
- Phối hợp với những người xung quanh trong trường hợp xảy ra thảm họa.
- Ngoài các trong trường hợp có thảm họa, có thể bảo vệ an ninh của gia đình mình, giúp đỡ người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người dân khác trong khu vực.
Trong tương lai, các em bé Nhật sẽ là người anh hùng của tương lai của xã hội, trở thành những người có ý thức bảo vệ an ninh và phòng chống thiên tai, thảm họa trong khu vực. Việc trang bị những hiểu biết để bảo vệ chính mình và cộng đồng không chỉ là một nhận thức, nó còn được coi là một thái độ sống quan trọng. Ngay cả các bậc cha mẹ Nhật Bản cũng ý thức việc xây dựng một nền tảng giáo dục gia đình coi trọng sự an toàn đối với mỗi đứa con của mình.
Tác giả: Hồ Thị Huyền Trang