Trong Đông y, mồng tơi tính hàn, vị chua, giúp lợi tiểu, tán nhiệt, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt.
Các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, chất nhầy pectin trong mồng tơi có tác dụng hấp thụ cholesterol, khóa màng bấm ở thành ruột. Từ đó, cholesterol không ngấm vào máu được mà theo đường đại tiện đi ra ngoài, giúp giảm cân. Nước cốt của mồng tơi tác dụng hỗ trợ làm lành các vết thương, đặc biệt là những vết thương do bỏng gây nên.
Rau mồng tơi còn có lợi cho các mẹ bầu và thai nhi nhờ chất Axit folic là một trong những loại vitamin B ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh như tật nứt đốt sống. Sắt cũng là dưỡng chất trong mồng tơi rất có lợi cho phụ nữ mang thai.
Rau mồng tơi là loại rau chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Một số chất trong rau mồng tơi thậm chí có hàm lượng dinh dưỡng vượt trội.
Tuy rau mồng tơi tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Dưới đây là những người không nên ăn rau mồng tơi.
Những người hấp thu kém không nên ăn rau mồng tơi bởi mồng tơi chứa hàm lượng cao axít oxalic (một loại chất hóa học liên kết với sắt và canxi) khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.
Những người mới lấy cao răng không nên ăn mồng tơi trong 1-2 tuần bởi rau mồng tơi dễ tạo mảng ố bám trên răng do axit oxalic trong rau mồng tơi không hòa tan trong nước
Người bị sỏi thận không nên ăn rau mồng tơi bởi rau mồng tơi chứa nhiều purin. Hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axít uric làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axit oxalic trong rau mồng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển.
Người đau dạ dày không nên ăn nhiều rau mồng tơi bởi hàm lượng chất xơ lớn trong rau mồng tơi có thể khiến dạ dày khó chịu khi ăn nhiều.
Người đang bị tiêu chảy không nên ăn mặc dù mồng tơi có thể giúp nhuận tràng, cải thiện tình trạng táo bón nhưng nếu ăn quá nhiều mồng tơi có thể dẫn tới tiêu chảy.
Tác giả: Thạch Thảo