Những nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân huyện nghèo Mù Cang Chải sau trận lũ ống lịch sử

( PHUNUTODAY ) - Anh Dũng nói với mọi người: “Cháu nhìn thấy vợ con bị lũ cuốn trôi mà không thể làm gì được, vợ con cháu chết hết rồi cô chú ơi!”, nghe xong không ai cầm được nước mắt.

Trận lũ lịch sử ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây khi họ chứng kiến cảnh người thân,dân làng, hàng xóm bị dòng nước dữ cuốn trôi.

Như chúng tôi đã đưa tin, khoảng 5h30 sáng 3.8, một trận lũ ống đã quét từ đỉnh núi xuống tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) làm hàng chục người thương vong và mất tích… Trận lũ được coi là lịch sử vì mấy mươi năm nay chưa từng xảy ra ở huyện miền núi phía Tây tỉnh Yên Bái.

Bất lực nhìn vợ con bị nước cuốn trôi

Tối 3.8, PV báo Lao Động có mặt tại vùng rốn lũ, trời đã ngớt mưa, con đừng từ quốc lộ 1A qua cầu Kim Nòi (Mù Cang Chải) vào đường làng Lao Chải cuồn cuộn nước, những ngôi nhà bên đường trống hoác, chẳng còn thấy đồ đạc; ngôi trường THCS Võ Thị Sáu vốn rất khang trang nay bị dòng nước đục thông nhiều bức tường, tấm bảng xanh nhầy nhụa bùn đất, bàn ghế và cánh cửa sổ vỡ vụn. Người dân cùng lực lượng chức năng chật vật khắc phục hậu quả do cơn lũ quét kinh hoàng vừa để lại.

 

Gần 15 tiếng đồng hồ kể từ khi cơn lũ quét qua, chị Nguyễn Thu Trang (tổ 4, thị trấn Mù Cang Chải) vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự đột ngột, tàn phá nặng nề của “con sóng dữ”. Trong bộ quần áo ướt nhẹp, lấm lem vì vừa cùng một số người tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, người phụ nữ này kể, cơn lũ xảy ra vào đầu giờ sáng, lúc đó chị tỉnh giấc bởi trời mưa to, rồi nghe tiếng nước ầm ầm trên núi đổ xuống vùng dân cư và suối Nậm Kim. Thấy thế, chị chạy sang nhà bên hét toáng lên để họ dậy.

“Thương nhất là vợ chồng anh Nguyễn Anh Dũng (thị trấn Mù Cang Chải). Mới xây nhà được hơn 1 năm thì nay lại bị nước lũ cuốn không sót thứ gì”, chị Trang kể và cho biết thêm, lũ quét qua nhà anh Dũng cuốn trôi cả gia đình, dòng nước cuốn anh Dũng ra mặt đường quốc lộ, người dân cứu được còn vợ con anh bị cuốn xuống suối Nậm Kim theo hướng thủy điện Khao Mang, đến nay vẫn chưa tìm thấy.

“Lúc đấy, anh Dũng nói với mọi người: “Cháu nhìn thấy vợ con bị lũ cuốn trôi mà không thể làm gì được, vợ con cháu chết hết rồi cô chú ơi!”, nghe xong không ai cầm được nước mắt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến dòng lũ kinh hoàng như vậy”, chị Trang kể lại.

Gia đình rơi vào cảnh... trắng tay

Lặng lẽ dìu vợ đi sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, vẻ mặt vợ chồng anh Mùa A Tông (tổ 8 phường Mù Cang Chải) không giấu nổi sự sợ hãi. Giây phút “dòng nước dữ" đổ vào nhà trong lúc cả gia đình đang ngủ khiến anh ám ảnh.

PV gặng hỏi, anh Mùa A Tông nghẹn giọng kể lại, rạng sáng 3.8 cả gia đình đang ngủ bất ngờ nghe thấy tiếng dòng nước ầm ầm sau nhà. Thời điểm đó, anh chỉ kịp hét lớn, gọi vợ và con dậy tránh lũ.

Gia đình anh Mùa A Tông bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Cường Ngô 

Trong chốc lát dòng nước cuốn trôi mọi thứ trong nhà, cô con gái lớn bị cuốn trôi nhưng theo quán tính vợ của anh đã kịp kéo con lại.

“Lúc đó vợ chồng chúng tôi chỉ kịp ôm con rồi vùng dậy chạy ra khỏi nhà. May mắn là mọi người trong gia đình đều an toàn, đến bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi”, người đàn ông dân tộc H\'Mông nghẹn ngào.

Anh Mùa A Tông cho biết, hiện gia đình anh rơi vào cảnh trắng tay khi toàn bộ nhà cửa và tài sản bị lũ cuốn băng. “Tài sản đã bị cơn lũ cuốn trôi hết rồi, nhà cũng chẳng còn, chúng tôi không biết phải làm gì trong lúc này và trong những ngày sắp tới. Chỉ mong chính quyền và cơ chức năng quan tâm, hỗ trợ để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, anh Tông trải lòng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động tại hiện trường, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 3.8 các lực lượng chức năng tỉnh phối hợp cùng với Quân khu 2 đã triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, đồng thời khắc phục hậu quả sau trận lũ kinh hoàng.

Tuy nhiên, công tác cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, bởi hiện tại nước lũ từ đầu nguồn dội về rất nhiều, khối lượng đất đá lớn. Chính vì vậy, lực lượng chức năng phải tính toán các biện pháp an toàn như dùng máy móc phá đá, khơi thông dòng nước.

Cũng theo vị Chủ tịch tỉnh tổ công tác cứu hộ cứu nạn lũ quét ở Mù Cang Chải thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Mất mạng vì quay lại cứu đàn lợn

Theo lời kể của ông Phạm Xuân Thành (54 tuổi), cư dân Mù Cang Chải khi ấy khoảng rạng sáng 3/8, dưới cơn mưa kéo dài từ lúc nửa đêm, cơn lũ ống từ núi Kim Nọi gần đó bất ngờ đổ về dọc theo khe suối hướng thẳng vào thị trấn. Những tảng đá cỡ 5-10 tấn sạt xuống từ núi bị cuốn trôi theo con lũ ống di chuyển với tốc độ lớn trong khoảng cách 4km nhưng chỉ vài phút đã càn qua 19 nóc nhà.

Nghe thấy tiếng động lớn như nổ mìn từ dưới lòng đất, ông Thành từ trên giường bật dậy chạy ra đường xem tình hình. Đúng lúc ấy, đợt lũ đầu tiên tràn về cuốn phăng ông theo dòng nước. May mắn, ông mắc kẹt ở bụi cây nên thoát chết. Ngay sau đó, ông lội ngược dòng nước về nhà hô hoán vợ, con gái và cháu ngoại 5 tuổi thức dậy. Khi những người thân chạy thoát ra đường lớn, ông Thành hô hoán hàng xóm thức dậy. Nghe tiếng tri hô, vợ chồng anh Thảo A Sang ở kế bên vội bế đứa con gái 2 tuổi chạy ra ngoài. Cùng lúc này, đợt lũ thứ 2 tràn về. Trong tích tắc, hàng loạt ngôi nhà bị lũ cuốn phăng trong sự kinh hãi của những người may mắn thoát chết trong gang tấc.

Bên bờ hồ thủy điện Mù Cang Chải – Nơi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái vừa hạ thủy 2 xuồng chuyên dụng để tìm kiếm 11 người mất tích trên khu vực lòng hồ, mọi người không cầm được nước mắt khi chứng kiến chị Cứ Thị Sầu cùng cô con gái 17 tuổi gào thét gọi tên chồng, tên cha. Trong cái đêm định mệnh ấy, khi anh Giàng Anh Hù (39 tuổi) đã đưa vợ và 2 con chạy lũ. Thế nhưng, nghĩ đến đàn lợn 15 con – tài sản lớn nhất và duy nhất của gia đình có thể bị đất đá đè chết, anh vội quay lại mở cửa cho đàn lợn chạy ra ngoài. Cùng lúc này, lũ ống và các tảng đá sập xuống khiến anh Hù nằm lại mãi trong lòng đất.

Nóng ruột vì chờ đợi gần 2 ngày không có tin tức về con trai, một người đàn ông chừng 60 tuổi ở xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) đã chặt 5 cây luồng ghép thành chiếc bè đi dọc hồ thủy điện để tìm con trai. “Tôi chẳng dám hy vọng con tôi còn sống, chỉ mong sao sớm tìm được nó về để chôn cất, hương khói cho tử tế. Từ bé nó đã khổ rồi, nhẽ nào giờ chết cũng không thấy xác”. Theo quan sát của chúng tôi, mặt hồ rộng mênh mông, có những đoạn có chiều rộng tới nửa cây số tràn ngập củi, rác. Lớp củi rác dày tới mức tạo thành một lớp đặc, vì thế việc tìm kiếm đơn độc của người cha già khó có kết quả.

4 anh em họ bị lũ cuốn trôi

Do tuyến đường giao thông vẫn bị chắn ngang bởi những tảng đá lớn, PV Báo Gia đình & Xã hội phải lội nước quãng đường gần 10 km để đến xã Kim Nọi. Ghé thăm gia đình chị Mùa Thị Sua, mẹ của 2 cháu là Giàng A Táng (2007) và Giàng A Phay (2010) – Hai trong 4 em học sinh bị lũ cuốn trôi khi đang đi chăn bò sáng 3/8, chúng tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh người mẹ trẻ quỳ lạy trời đất gọi tên con. Bố của 2 cháu kể, trưa 2/8, Táng và Phay vừa xong bữa cơm trưa thì vội lên căn lều quen thuộc trong cánh rừng cách nhà 4km chăn đàn trâu bò. Như thường lệ, sau mỗi buổi chiều chăn trâu 2 anh em sẽ nhốt đàn trâu bò của gia đình tại lều và về nhà ăn cơm tối, ngủ ở nhà xong sáng hôm sau mới quay lại lều.

Như định mệnh trớ trêu, hôm ấy Táng và Phay quyết định ở lại lều nấu cơm không về. Rạng sáng hôm sau, trận lũ kinh hoàng chưa từng có trong 30 năm qua đã cuốn trôi 2 đứa trẻ tội nghiệp. Mãi 10h trưa hôm qua, khi biết thông tin về vụ sạt lở, 2 vợ chồng chị Sua vội đi tìm con thì không thấy đâu. Đến 3h chiều, khi biết tin thi thể một trong hai con đã trôi về phía thủy điện Hội Quả (giáp ranh Sơn La - Lai Châu), người mẹ trẻ ngã quỵ xuống dòng nước lũ. Trong cơn mê sảng chị liên tục hét lên: “Giàng ơi sao không cho tôi bị cuốn thay thằng Táng, thằng Phay”.

Nhà chị Sùng Thị Cở cách nhà chị Sua không xa. Từ khi xảy ra sự việc cháu Giàng A Nu và Giàng A Hứ bị lũ cuốn trôi khi đi chăn trâu, rất nhiều cán bộ và hàng xóm đến thăm hỏi, động viên. Gặp chúng tôi, chị Cở chỉ biết than thân trách phận mà không nói nên lời.

Theo lời thầy giáo Giàng A Hờ, Trường liên cấp Kim Nọi, vụ lũ quét này khiến 4 em học sinh trong trường mất tích. Trong số đó, Táng và Phay là 2 anh em ruột, Nu và Hứ cũng là 2 anh em ruột. Bố các em cũng là anh em ruột thịt, vì thế sau khi xảy ra sự việc, tang trắng phủ kín cả dòng họ.

Bố mẹ thức trắng đêm bên bờ suối tìm con và các cháu

Tại Bệnh viện đa khoa huyện Mù Cang Chải, nhiều nạn nhân may mắn sống sót đang được các y bác sỹ tích cực điều trị. Bác sỹ đa khoa Thào A Hạc, Trưởng phòng tổng hợp Bệnh viện đa khoa huyện Mù Cang Chải cho biết: Từ sáng 3/8 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 7 bệnh nhân. Có những bệnh nhân năm nay chỉ hơn 10 tuổi. Khi vào viện, các bệnh nhân đều có dấu hiệu tổn thương tâm lý sau khi thoát khỏi ranh giới sinh tử.

Trò chuyện với PV, anh Lê Doãn Dũng (35 tuổi, trú huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) rùng mình kể lại: “Tôi nhớ khi đó là 5h sáng. Cả gia đình tôi đang ngủ thì thấy mặt đất rung chuyển. Vừa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, vợ lập tức lao ra ôm hai đứa con định chạy ngoài. Nhưng không kịp nữa rồi...”.

Chỉ trong tích tắc, anh Dũng, vợ và hai con gái (một bé 4 tuổi, một 1 tuổi), cả ngôi nhà hai vợ chồng 5 năm mới dựng được bị cơn lũ dữ cuốn phăng xuống hạ nguồn. Anh Dũng bị dòng nước cuốn trôi cách ngôi nhà khoảng 600m. Nhưng anh may mắn mắc vào một cái cây nên thoát chết nhưng bị tảng đá lớn đè lên chân.

Theo tìm hiểu của PV, anh Dũng quê Thanh Hóa, còn vợ anh là chị Hồ Thị Liên (32 tuổi) quê Thái Bình. 5 năm trước anh chị tổ chức đám cưới rồi đưa nhau lên huyện Mù Cang Chải làm ăn, buôn bán. Phải chắt bóp lắm họ mới dựng được căn nhà và tích cóp được chút vốn liếng. Nhưng chỉ chưa đầy 1 phút, tất cả đã bị dòng nước nhấn chìm.

Anh Lê Doãn Cường (em trai nạn nhân Dũng) chia sẻ, khi tỉnh lại, biết vợ con mình mất tích, anh Dũng chỉ biết gào thét. Anh nằng nặc đòi em trai dìu ra hiện trường để tìm vợ con. Anh Cường cho biết: “Hiện tại bố mẹ tôi vẫn đang túc trực ở hiện trường cả ngày lẫn đêm để ngóng tin chị dâu và hai cháu. Chúng tôi giờ chỉ cầu mong một phép màu. Nếu điều tồi tệ xảy ra không biết anh trai tôi sẽ sống thế nào”.

Tác giả: Vân Tiên