Nữ bác sĩ người Nhật Sakako Hibino sau khi thử nhiều công thức giảm cân không thành công, đã chuyển sang điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột và kết quả cô đã giảm thành công 15kg ở tuổi 42.
Nữ bác sĩ giảm cân bằng keto bị đột quỵ nhẹ
Bác sĩ Sakako Hibino cho biết cô đã phải vật lộn với chứng béo phì và phù nề từ khi còn nhỏ. Trong thời gian du học Mỹ năm 36 tuổi, cô đã tăng 17kg. Vào thời điểm đó, bác sĩ Sakako Hibino thử rất nhiều công thức giảm cân nhưng đều thất bại. Cuối cùng cô thành công nhờ áp dụng chế độ ăn keto. Tuy nhiên một vấn đề bất ngờ xảy ra sau thời gian dài ăn keto: cô bị đột quỵ nhẹ và sau đó tăng cân trở lại.
Bác sĩ Sakako Hibino chỉ ra rằng chế độ ăn keto đã khiến cô tiêu hao quá nhiều mỡ trong cơ thể, lượng đường trong máu luôn được hạn chế ở trạng thái thấp, làm mất cân bằng nội tiết trong cơ thể và gây ảnh hưởng thần kinh, nguyên nhân chính khiến nữ bác sĩ bị đột quỵ. Ngoài ra, khi mất đi một lượng lớn estrogen, những dấu hiệu tuổi già cũng sớm xuất hiện dù cô chưa bước vào thời kỳ mãn kinh.
Bác sĩ Sakako Hibino cũng thú nhận rằng cô rất dễ mất tỉnh táo vì muốn làm mọi cách để có cơ thể đẹp, dù có hiểu biết về y học thì cô cũng từng thử qua không ít cách giảm cân thiếu khoa học. Cuối cùng, bác sĩ Sakako Hibino quyết định điều chỉnh vóc dáng bằng cách ổn định nội tiết tố và kiểm soát vi khuẩn đường ruột.
Ăn sữa chua ấm để điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột
Bác sĩ Sakako Hibino cho biết trong giai đoạn giảm cân, cô không chỉ dùng 5 bữa mỗi ngày, cộng thêm 15 phút tập các bài giãn cơ để ổn định thần kinh và duy trì nội tiết mà còn dựa vào việc giảm bớt gia vị và ăn sữa chua ấm trước khi đi ngủ.
Việc ăn sữa chua ấm này đã tạo ra lợi khuẩn cho đường ruột và là yếu tố quan trọng giúp cơ thể cô tạo ra hệ vi khuẩn lành mạnh giúp giảm cân.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Trường Đại học Y khoa Washington (Mỹ) ngoài men vi sinh và vi khuẩn xấu, trong đường ruột còn có 2 loại vi khuẩn đặc biệt có tên Firmicutes (thường được gọi là vi khuẩn béo) và Bacteroidetes (thường được gọi là vi khuẩn nạc).
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ở người và chuột bị béo phì, tỷ lệ vi khuẩn nạc khá thấp trong khi tỷ lệ vi khuẩn béo lại cao hơn. Nghiên cứu trên nhiều trường hợp cụ thể, họ phát hiện khi vi khuẩn nạc tăng thì cân nặng của những người này giảm xuống.
Vi khuẩn béo sẽ làm cho ruột phân hủy và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng không cần thiết hơn, dẫn đến béo phì; vi khuẩn nạc sẽ ngăn chặn các axit béo tự do xâm nhập vào tế bào mỡ và đưa chúng đến các tế bào cơ để cho cơ tiêu thụ, do đó có thể tránh được bệnh béo phì.
Vi khuẩn axit lactic trong sữa chua chứa vi khuẩn tạo nạc và các chất dinh dưỡng cần thiết cho vi khuẩn tạo nạc. Nhưng hoạt động của vi khuẩn tạo nạc rất thấp trong điều kiện lạnh nói chung, vì vậy ăn sữa chua lạnh sẽ làm giảm số lượng vi khuẩn nạc, khiến khả năng giảm cân giảm hiệu quả. Tuy nhiên khi hâm sữa chua đến 38°C, tương ứng với nhiệt độ của ruột, lúc này hoạt động của vi khuẩn tạo nạc là cao nhất, nó sẽ sinh sôi nảy nở trước khi ăn, đồng thời có tác dụng ức chế sự tích tụ mỡ ngay sau khi ăn.
Bác sĩ Sakako Hibino cũng khuyến cáo mọi người nên ăn sữa chua ấm khoảng 2 tiếng trước khi đi ngủ vì lúc này chức năng đường ruột đã bắt đầu suy giảm, vi khuẩn tạo nạc có thể chia sẻ khối lượng công việc của ruột.
Cách làm: Cho 100 gam sữa chua bán sẵn vào hộp chịu nhiệt, không có nắp rồi hâm nóng trong lò vi sóng 500W trong 40 giây.
Những tác dụng khác khi ăn sữa chua buổi tối
Ăn sữa chua trước khi ngủ là một lựa chọn tốt nếu bạn đang cần một bữa ăn nhẹ vào đêm muộn. Thực phẩm có hàm lượng protein cao, như các loại hạt và sữa chua, có thể giúp bạn cảm thấy no và sẽ làm giảm ham muốn của bạn với những món ăn vặt thiếu lành mạnh. Sữa chua còn có một lợi ích nữa là giàu canxi, không chỉ tốt cho xương mà còn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.
Tiêu thụ sữa chua, đặc biệt là nếu nó có chứa probiotics có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và giảm khả năng mắc bệnh. Vitamin D trong sữa chua có thể tăng cường sức khỏe miễn dịch. Vitamin D đã được nghiên cứu về khả năng ngăn ngừa các bệnh tật như cảm lạnh thông thường và cúm.
Bất kể hàm lượng chất béo của sữa chua là bao nhiêu, nó cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách tăng cholesterol HDL “tốt” và giảm huyết áp.
Điều quan trọng cần nhớ là không phải tất cả các loại sữa chua đều được tạo ra như nhau. Một số loại sữa chua nhất định, như sữa chua có hương vị thường thêm đường bổ sung không phải là lựa chọn tuyệt vời để ăn trước khi đi ngủ. Thay vào đó, hãy chọn các loại sữa chua đơn giản, tốt cho sức khỏe như sữa chua Hy Lạp.
Khi ăn sữa chua vào buổi tối, bạn cũng không nhất thiết phải ăn no. Chỉ cần mua sữa chua nguyên chất và thêm một vài thứ lành mạnh nếu bạn muốn tăng thêm hương vị chẳng hạn như trái cây tươi (dâu tây), các loại hạt thay vì đường hay các chất phụ gia.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Đậu phụ món ăn quốc dân: Nhưng ăn theo cách này là con đường nhanh nhất để đi viện, mọi người nên lưu ý
-
Chanh dây chỉ lấy hạt mà bỏ hết đi quá phí, chẳng khác ném cả đống chất bổ vào thùng rác
-
7 thực đơn eat clean cho 7 ngày giảm cân và mỡ bụng hiệu quả
-
Có câu ‘Đi bộ 100 bước sau bữa ăn sống đến 99’ nhưng không biết cách sẽ gây tổn hại cơ thể
-
Phụ nữ ăn trái cây theo 5 cách này vừa nhanh béo vừa rước bệnh