Lo lắng trước tình hình thực phẩm, đặc biệt là rau củ, không an toàn hiện nay, nhiều gia đình đã áp dụng các mô hình trồng rau sạch để đảm bảo sức khỏe của cả nhà. Anh Quốc Bảo (Nha Trang) đã cải tạo sân thượng của nhà mình để làm thành một khu vườn xanh mát với đủ loại rau thông dụng cho bữa ăn hàng ngày. Làm vườn không chỉ là sở thích giúp anh thư giãn sau giờ làm việc mà còn tạo cơ hội cho các con của anh tìm hiểu về thiên nhiên và cả gia đình cùng nhau lao động, tăng sự gắn kết.
Anh Quốc Bảo chia khoảng sân thượng thành những khu vực khác nhau để đan xen trồng thủy – thổ canh. Tuy nhiên, thủy canh là cách trồng đem lại năng suất hơn cả, có thể thu hoạch nhanh và phù hợp với nhiều loại cây ăn lá.
Tuy anh Bảo mới bắt tay vào trồng theo hình thức thủy canh hồi lưu này khoảng 3 tháng gần đây nhưng đã cho kết quả khả quan. 72 rọ rau gồm các loại rau muống, rau dền, xà lách, cải ngọt… mà cả gia đình ăn không kịp, có khi phải đem đi biếu bớt. Ông bố 2 con tâm sự, thời gian đầu mới làm vườn, anh cũng vấp phải nhiều khó khăn.
Nhìn cây còi cọc, anh cũng muốn nản, cũng mất ăn, mất ngủ, nhưng dần dần, anh lên các trang mạng, diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm của mọi người. Anh bảo: “Ai làm lần đầu cũng đều bị hết, có người tốn mấy chục triệu mà không ăn được gì”.
Thủy canh hồi lưu dùng một thùng chứa dung dịch thủy canh và máy bơm để bơm dung dịch lên những ống trồng rau thủy canh, dung dịch sẽ được luân chuyển khi đầy mỗi ống. Như vậy, rau sẽ được phát triển tốt hơn vì dung dịch được cấp liên tục.
Trồng rau bằng phương pháp thủy canh có thể đạt được những lợi ích sau: Năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh. Khi thủy canh ổn định sẽ tiết kiệm chi phí hơn thổ canh.
Khi rau lớn, anh Bảo đem cả rọ cắm vào những chiếc ly để trưng trong nhà cho đẹp, thích ăn lúc nào chỉ cần tỉa ra mà không mất công leo lên sân thượng.
Dành toàn bộ hai khoảng sân thượng và phần nóc trên mái, chị Thùy đã tạo nên vườn rau xanh tốt với tổng diện tích khá ấn tượng, 120m². Khoảng sân thượng được chị trồng rau quả theo phương pháp thổ canh truyền thống. Phần diện tích trên mái được chị mới thiết kế hệ thống Aquaponic để trồng thêm nhiều loại rau trái phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch cho gia đình.
Chị Thùy cho biết, cũng vì tình trạng thực phẩm bẩn, không an toàn, không rõ nguồn gốc được bày bán khắp nơi, chị lại là người khá "kỹ tính" trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Bên cạnh đó, chị cảm thấy vui vẻ hơn, bình yên hơn sau mỗi ngày bận rộn, chị lại được tận tay chăm sóc những gốc rau, gốc cây trên sân thượng nhà mình mỗi ngày.
Chị Thùy chia sẻ, ban đầu chị chỉ muốn tạo một không gian xanh tươi trên sân thượng nên chị trồng vài chậu cây ăn quả. Tuy nhiên, càng trồng càng ham, chị lại tiếp tục trồng rau. Nhìn thành quả lao động, chăm sóc sớm khuya phát triển tươi tốt, chị lại cảm thấy có thêm nhiều động lực để trồng rau. Từ 60m² trên sân thượng, chị tiếp tục tận dụng 60m² trên mái để thử sức với mô hình Aquaponic.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang
-
Không cần nhiều diện tích nhà bạn vẫn có rau ăn quanh năm với cách này!
-
“Phục sát đất” vườn rau, quả xanh mơn mởn trên sân thượng của “lão nông phố”
-
Trồng rau ở ban công là chuyện nhỏ, gia đình ăn mãi chẳng hết!
-
Phương pháp trồng rau bằng xỉ than vừa ít sâu bệnh lại tiết kiệm
-
Hướng dẫn cách trồng cây chùm ngây đơn giản tại nhà