Với nhiều nông dân sân thượng, trồng rau sạch trong thùng xốp hay bồn nhựa cho năng suất cao khá dễ dàng. Tuy nhiên, gieo trồng các loại cây leo giàn như bầu bí, khổ qua, dưa chuột, mướp,…không mấy người thành công ngay lần đầu. Chị Bùi Thương (30 tuổi- TP.HCM) chia sẻ: “Bí đao, khổ qua là loại cây ăn quả chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Thường, thời gian trồng và đơm hoa kết trái của chúng dài ngày hơn rau xanh gấp nhiều lần. Vì vậy, người trồng phải chú trọng tới cách gieo hạt và chăm sóc tỉ mỉ để có thể gặt hái được nhiều trái ngon”.
Sau đây, chị Thương sẽ chia sẻ cách trồng và chăm sóc các loại cây leo giàn trên sân thượng bằng kỹ thuật đơn giản, đem lại năng suất cao.
Đất trồng
Chị Thương cho biết, khâu trộn đất rất quan trọng vì nó là “nền tảng” giúp cây sinh trưởng tốt sau này. Tùy vào độ mới cũ của đất, chị Thường có công thức khác nhau.
Đất cũ
Đây là loại đất đã gieo trồng rau quả trước đó. Thu hoạch xong, đất được trộn với vôi bột, phơi nắng 3 ngày. Cứ 1 lớp đất rải nấm trichoderma sẽ rải lớp rau rác sao cho đầy thùng và ủ 30 ngày. Khi trồng cây, pha thêm phân bò hoai hoặc xác phân cá vào đất.
Đất mới
Đất được trộn với hỗn hợp trấu hun, sơ dừa, phân bò và phân cá. Đặc biệt, cần phủ lớp đất mỏng chưa xử lý nên bề mặt tránh ruồi muỗi đậu.
Thùng trồng
Toàn bộ cây ăn trái, chị Thương trồng bằng thùng earthbox tự chế.
Cách làm thùng earthbox:
Vật liệu chuẩn bị
- Bồn nước 500 lít loại nằm để chiều cao ngắn nhưng diện tích miệng bồn lớn.
- Xơ dừa.
- Gạch vỡ.
- Chai lọ nhựa.
Thực hiện
- Cắt bồn nhựa làm đôi.
- Bỏ chai lọ nhựa vào đáy thùng.
- Đặt gạch vỡ lên trên chai nhựa sao cho khoảng cách dưới đáy và gạch là 10cm.
- Rải xơ dừa quanh mặt gạch để thấm nước hoặc che lỗ thủng hạn chế đất rơi xuống đáy bồn.
- Khoan kệ kê bồn bằng ốc vít sao cho kệ và bồn cùng kích thước, nước tự động bơm vào 1 bồn, các bồn còn lại sẽ tự trao đổi mực nước với nhau.
Cách trồng khổ qua (mướp đắng)
Bước 1: Chuẩn bị hạt giống
Để có những hạt giống mướp đắng chất lượng, bạn nên chọn những quả mướp đắng to, mập và cầm chắc tay. Ngoài ra, bạn có thể mua hạt giống mướp đắng tại các cửa hàng hạt giống uy tín.
Sử dụng dao để bổ dọc trái mướp, dùng thìa nạo, lọc và lấy hạt từ quả ra, sau đó rửa sạch và phơi khô hạt để bảo quản chờ thời điểm thích hợp đem ra gieo trồng
Bước 2: Gieo hạt giống
Xử lý hạt giống bằng cách ngâm vào nước ấm theo công thức 2 sôi 3 lạnh ngâm trong vòng 5-6 giờ sau đó vớt ra đem ủ vào khăn ẩm. Sau 24 giờ đem rửa sạch hết lớp nhờn ngoài vỏ hạt, rồi đem ủ lại đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo.
Khi gieo, đặt hạt theo hướng cho đầu nhọn đã nứt nanh xuống dưới, phủ lên trên một lớp đất mỏng. Sau đó tưới nước. Khoảng 5 ngày hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm và vươn lên cao
Bước 3: Làm giàn cho cây mướp đắng
Khi cây cao 25 đến 30cm, bắt đầu ra từ 5 đến 6 lá thật và đã bắt đầu xuất hiện tua cuốn, ta đem trồng cây ra chậu lớn hơn hoặc trồng ra hẳn đất vườn rồi làm giàn cho chúng.
Cây mướp đắng khi đã có tua cuốn thì rất mau lớn, bạn có thể tận dụng mắc lưới để cho mướp đắng leo giàn.
Chuyển cây con ra nơi trồng đã định sẵn và tiến hành làm giàn cho chúng leo. Bạn cần tưới nước thường xuyên khoảng 2 lần một ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng và phát triển.
Bước 4: Chăm sóc và thu hoạchHoa thường bắt đầu xuất hiện trên giàn leo trong vòng một vài tuần lễ sau khi trồng cây. Hoa đực sẽ nở đầu tiên còn hoa cái có một phần bầu nhỏ ở cuống hoa sẽ nở tiếp sau đó khoảng một tuần.
Bạn có thể để ong bướm thụ phấn cho hoa hoặc có thể tự làm. Chú ý là hoa đực chỉ sống được khoảng một ngày, nở vào buổi sáng và rơi xuống gốc cây vào lúc chiều tối.
Sau khi hoa nở khoảng 5 ngày thì cây bắt đầu cho ra trái. Những trái non nhú ra từ phần cuống sau khi hoa tàn, dần dần theo thời gian sẽ phát triển to lên đến kích thước chuẩn.
Ở giai đoạn này nên ngắt bỏ bớt lá quá dày mọc gần quả non để tạo điều kiện cho quả non nhận đủ ánh sáng để phát triển.
Các công việc cần chuẩn bị để trồng cây bí đao như sau:
Bước 1: "Chọn mặt gửi vàng"
Để "mơ tưởng" được đến chuyện sở hữu một cây xanh rì, trái to cầm trĩu tay thì phải trải qua bước đầu tiên rất quan trọng là việc chọn hạt giống. Nên chọn những quả to, tròn đều, không sâu bệnh để lấy hạt.
Bước 2: Gieo "niềm tin" vào đất
Trước khi gieo hạt, để chắc ăn hơn thì nên ngâm hạt giống vào nước ấm (2 sôi 3 lạnh) trong vòng 5 tiếng sau đó vớt ra rửa sạch nhớt. Gói hạt giống lại rồi cho vào khăn ẩm bọc lại và ủ hạt cho đến khi nào hạt nứt nanh. Cách này sẽ giúp cho hạt ít bị hư hại và tăng tỷ lệ hạt giống nảy mầm.
Bước 3: Dựng giàn để dễ uốn cây
Cây bí đao có thể cho bò trên mặt đất hoặc leo giàn đều được. Nhưng để cho năng suất cao nhất mà lại vừa dễ chăm sóc thì nên làm giàn cho chúng leo. Giàn có thể làm bằng lưới mắt cáo hoặc bằng tre, khoảng cách giữa các cây làm giàn từ 0,5 đến 1m là thích hợp nhất. Cây bí đao sẽ bám giàn và leo rất nhanh nếu chăm sóc đúng cách. Dây bí trưởng thành dài từ 1,5 đến hơn 2m. Lúc này chúng bắt đầu ra hoa.
Bước 4: Đơm hoa kết trái
Sau khoảng 40 ngày sinh trưởng, khi thân dài 1,2 m thì bắt đầu ra hoa. Hoa cây bí đao là loại hoa đơn tính mọc ra ở chồi nách lá, khi nở có màu vàng năm cánh trông rất đẹp, thu hút khá nhiều ong bướm đến để thụ phấn. Tuy nhiên nếu trồng ở những nơi có ít côn trùng, bạn vẫn có thể tự thụ phấn cho cây được. Dùng que hoặc chổi nhỏ lấy phấn của hoa đực ở cây khác chấm lên hoa cái sẽ giúp cây thụ phấn và cho nhiều trái hơn. Chú ý thời kỳ ra hoa kết quả thì cây cần nhiều nước hơn bình thường.