Ông cha ta nói rồi 'Trăm bệnh đều từ 'tức khí' mà ra': Muốn sống thọ, phải biết tiết chế cơn nóng giận

( PHUNUTODAY ) - Nếu muốn cuộc sống kéo dài, ngay từ hôm nay hãy tiết chế cơn giận, thay đổi quan niệm sống, cải biến tập quán sinh hoạt không tốt, tu thân dưỡng tính.

Câu chuyện "Cao tăng và vị phu nhân tính nóng như lửa"

Có một vị phu nhân, thường vì những chuyện vặt vãnh mà sinh nóng giận. Có một ngày bà đi tìm một vị cao tăng thỉnh giáo. Cao tăng nghe xong, liền dẫn bà đến một gian thiền phòng, khóa cửa lại rồi rời đi.

Vị phu nhân tức giận chửi mắng ầm ĩ một hồi, cao tăng cũng không để ý tới. Rồi bà lại bắt đầu cầu khẩn, cao tăng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Vị phu nhân cuối cùng đành phải im lặng.

Cao tăng ở bên ngoài cửa hỏi: “Bà còn tức giận không?”. Vị phu nhân nói: “Tôi chỉ tức giận chính mình, sao lại đến cái nơi quỷ quái này để chịu tội khổ không biết!”.

Cao tăng phẩy tay áo rời đi, nói vọng vào: “Người mà ngay cả chính mình cũng không chịu tha thứ, thì làm sao tâm có thể phẳng lặng như mặt nước được đây?”

Một lát sau, cao tăng lại hỏi: “Bà còn tức giận không?”. Vị phu nhân nói: “Hết rồi, tức giận để làm gì cơ chứ?”.

“Tức giận cũng có làm gì được đâu!”, cao tăng lại rời đi.

Lúc cao tăng trở lại lần thứ ba, vị phu nhân nói với ông: “Tôi hết tức giận rồi, bởi vì không gì đáng để tức giận”. Cao tăng cười nói: “Bà còn biết nó có đáng hay không, xem ra trong nội tâm vẫn còn cái gốc rễ của khí”.

Một hồi sau, đang lúc cao tăng đứng ở trước cửa ngắm trời chiều. Vị phu nhân hỏi: “Đại sư, khí là gì vậy?”. Cao tăng đổ nước trà vào trong tay làm rơi vãi khắp đất, vị phu nhân nhìn thật lâu chợt tỉnh ngộ, cảm tạ rồi rời đi.

Sức khỏe trong quan niệm của người khôn - kẻ ngốc

Người khôn dùng 100 phần tiền để dưỡng sinh, 50 phần tiền mua bảo hiểm, 10 phần tiền khám bệnh, 1 phần tiền cấp cứu.

Người ngu ngốc dùng 1 phần tiền để dưỡng sinh, 10 phần tiền uống thuốc, 50 phần tiền khám bệnh, 100 phần tiền cấp cứu.

Đại đa số mọi người, lúc 1-2 năm cuối đời sẽ tiêu hết tiền tích góp cả đời, chịu đựng tất cả các loại tác dụng phụ của thuốc tây, hơn nữa còn bị mổ vài lần, rồi mới rời đi.

Vậy phải đối phó với bệnh tật như thế nào? Đáp án chính là ở chỗ phòng bị. Mà phòng thế nào mới hiệu quả. Câu trả lời đơn giản – Bớt tức giận đi thì sẽ sống trường thọ.

Bài học về sự tức giận và tuổi thọ

Hoa do tưới nước quá nhiều mà chết, cá ăn bể bụng mà chết, người vì tức khí mà chết. Bạn kiểm soát được cơn nóng giận được bao nhiêu, thì sẽ có thể sống thọ được tới đó.

Thường xuyên tự mình tìm người gây hấn, lòng dạ hẹp hòi, thông thường sống được 20-50 tuổi.

Thường xuyên chịu sự tức giận của người khác, gọi là người hầu, thông thường sống 50-60 tuổi.

Thường xuyên tự mình tức giận, cũng thường tức giận người khác, gọi là người phàm tục, thông thường sống 60-70 tuổi.

Thường xuyên để cho người khác tức giận, nhưng chính mình lại không quá tức giận người, gọi là vĩ nhân, thông thường sống khoảng 80 tuổi.

Bất luận người khác như thế nào, bạn cũng có thể coi như không, gọi là cao nhân, thông thường sống khoảng 90 tuổi.

Vừa không tức giận người khác, mà chính mình cũng không tức giận, gọi là chân nhân, thông thường có thể sống trăm tuổi hoặc hơn.

Cách kiềm chế cơn nóng giận

- Hít thở sâu khi tức giận

Cơn tức giận khiến bạn thở nhanh và gấp gáp hơn. Nó đẩy bạn vào trạng thái không có đủ thời gian để suy nghĩ về hậu quả của hành động đó. Để hạn chế, bạn hít thở thật chậm, thật sâu. Áp dụng bài tập hít thở bằng bụng là cách kiềm chế cơn giận hiệu quả giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh.

Những lúc muốn kiềm chế tức giận, bạn hãy tìm một chiếc ghế tựa hoặc nơi bạn có thể ngồi thoải mái, lúc này thả lỏng hoàn toàn người, nhất là cổ và vai. Sau đó, hít một hơi thật sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng. Trong bài tập thở này, bạn cần lưu ý bụng phải phình ra khi hít vào và xẹp xuống khi thở ra.

- Hãy thử vận động

Đôi khi, việc ngồi yên một chỗ sẽ không giúp bạn kiềm chế cảm xúc khi tức giận. Vậy bạn nên làm gì? Hãy thử đi bộ, đạp xe, tập vài động tác yoga thư giãn hoặc thậm chí là nhảy và hát theo nhạc.

Khi tâm trí tập trung vào sự di chuyển, nó sẽ không nghĩ đến những chuyện khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc tức giận nữa.

- Kiểm soát cơn giận bằng sự hài hước

Theo Healthline, tìm kiếm sự hài hước trong những sự việc gây ra cơn nóng giận sẽ giúp bạn cân bằng cảm xúc. Điều này không có nghĩa là bạn "cười trừ" hoặc giải quyết hời hợt cho những vấn đề của mình mà là nhìn nhận chúng theo cách nhẹ nhàng hơn.

Không đặt cái tôi của mình lên quá cao và thay đổi góc nhìn trước mỗi yếu tố gây ra cơn giận là cách kiềm chế cơn tức giận hiệu quả.

- Thay đổi môi trường

Hãy dành thời gian để chăm sóc chính mình. Nếu bạn tức giận vì nhà cửa bừa bộn, con cái quấy khóc, công việc không suôn sẻ cách kiềm chế cảm xúc nóng giận lúc này là hãy ra ngoài dạo chơi hoặc đi mua sắm. Bạn cũng có thế ra vườn cắt tỉa hoa, trồng cây, tưới rau… chắc chắn bạn trở về với tâm lý nhẹ nhàng hơn sau khi kết thúc các hoạt động trên.

- Tìm kiếm sự giúp đỡ

Thỉnh thoảng cảm thấy tức giận trước những sự việc không như ý muốn là điều rất bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên nổi nóng trước những vấn đề nhỏ nhặt hoặc cơn giận khiến bạn mệt mỏi cực độ, có thể bạn sẽ cần đến sự chăm sóc y tế.

Nếu sự tức giận khiến các mối quan hệ và hạnh phúc gia đình của bạn bị ảnh hưởng trầm trọng, bạn hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Những nhà trị liệu này sẽ giúp bạn giải quyết nguồn cơn giận dữ và tìm cách đối phó tốt hơn với cảm xúc tiêu cực.

Chia sẻ, tâm sự với một người bạn tin tưởng cũng là một trong những cách kiềm chế cơn tức giận hiệu quả. Khi cảm xúc tiêu cực được giải tỏa cũng là lúc tâm lý của bạn trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn.

Tác giả: Vũ Ngọc