Phật dạy: "Thấy lỗi mình, bỏ lỗi người; Học người để rèn mình"

( PHUNUTODAY ) - Phật dạy, người có nhiều đức tính tốt hơn ta là bậc thầy ta, ta học những cái hay của họ. Người có cái dở hơn ta cũng là bậc thầy của ta, ta cũng học để tránh.

Hãy cùng đọc câu chuyện cổ Phật giáo dưới đây:

Phật hỏi: Tại sao con lại đi nói lỗi người khác ?

Con đáp: Con muốn giúp họ mà. Con muốn mọi người tốt. Con muốn họ đi đúng đường. Con muốn nói cái hay ra cho mọi người biết. Con muốn được coi trọng. Con muốn họ công nhận con. Con muốn cái con muốn.

Phật đáp: Con muốn nhiều quá. Con thấy con tham chưa? Bỏ được cái tham này trước đã con nhé !

Thấy lỗi mình, bỏ lỗi người

“Tha phi ngã bất phi, ngã phi tự hữu quá”, nghĩa là nếu người làm trái là họ chịu, mình đừng giành cái trái của người. Thế mà người đời cứ đi giành cái trái của người ta; thấy ai làm lỗi liền sinh bực bội nóng giận.

Như vậy là người có lỗi mình liền sinh lỗi, tức là mình giành lỗi với người rồi. Nhiều người nói mới nghe coi như họ tích cực lắm, kỳ thực thì họ chưa biết tu. Họ cho rằng mình phải thấy lỗi người để chỉ trích cho họ sửa, nếu không chỉ thì để họ trái hoài sao?

Thoạt nghe thấy như tốt lắm, nhưng nếu cứ thấy lỗi người hoài thì sinh tự cao ngã mạn, đó là cái bệnh lớn của người tu, đâu phải là người tốt!

 Ảnh minh họa.

“Đản tự khước phi tâm, đả trừ phiền não phá”, nghĩa là chỉ nhìn lại mình để thấy tâm sai quấy lỗi lầm mà phá bỏ nó, luôn luôn do dứt trừ phiền não để cho tâm được trong sạch. Được như vậy thì “Tắng ái bất quan tâm, trường thân lưỡng cước ngọa”, yêu ghét không bận lòng thì lúc đó duỗi thẳng hai chân ngủ một cách thoải mái.

Sở dĩ chúng ta nằm xuống ngủ không được là vì nhớ người này, buồn người kia, trách người nọ, tâm tư cứ quay cuồng làm sao mà ngủ cho được. Người thật tu thì hết khổ, còn người tu giả cứ thấy lỗi người hoài thì khổ hoài.

Tu là cốt đem lại sự an ổn cho mình và cho người. Nếu mình bất an thì mọi người cũng bất an lây. Thế nên phải buông xả hết, thì mới có thể tiến tới chỗ an vui, khi mình được an vui thì người cũng được an vui lây; nếu mình cố chấp, phần mình đã khổ lại còn làm khổ lây người khác.

Nhớ đừng mang tâm trạng tìm lỗi người khác, mà phải luôn nhìn lại lỗi mình. Hãy dẹp lỗi lầm của mình, phá sạch tâm phiền não, buông xả lòng yêu ghét, có mới thảnh thơi hết khổ.

Bồ Tát Thường Bất Khinh thấy ai cũng có Phật tính và sẽ thành Phật, không thấy người nào dở cả nên đi đâu gặp ai ngài cũng nói: “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài sẽ thành Phật”. Nếu thấy ai cũng sẽ thành Phật thì có khinh chê người nào đâu?

Vậy chúng ta hãy kiểm lại mình và nghĩ rằng chung quanh mình ai cũng trở thành người tốt, tốt bằng mình hoặc tốt hơn mình, thì mình đâu có chê chán ai, đâu có xa lánh ai. Còn nếu mình thấy ai cũng xấu hết, chỉ riêng mình hay, thì ai giúp mình được nữa? Bởi thế, phải nhớ cho kỹ là phải thấy lỗi mình, tìm cái hay của người.

Học người để rèn mình

Phật dạy, người có nhiều đức tính tốt hơn ta là bậc thầy ta, ta học những cái hay của họ; người có cái dở hơn ta cũng là bậc thầy của ta, ta cũng học để tránh. Thầy hay, chúng ta học bắt chước, thầy dở, chúng ta học để tránh.

Cũng vậy, khi phát tâm tu, người trợ giúp phương tiện để tiến là thiện tri thức, mà người làm chướng ngại để thử thách coi mình tiến tới đâu cũng là thiện tri thức. Người giúp phương tiện là kéo mình lên từ từ, người thử thách giúp mình nhảy vọt; cả hai đều là người tốt giúp mình tiến, nên không có người nào để cho chúng ta chê chán cả.

Người phát tâm tu, không ai mà không thầm hứa chinh phục tham, sân, si. Đã ngầm hứa như vậy rồi, thì những cơ hội khơi dậy tham, sân, si là cơ hội tốt để cho chúng ta điều phục nó. Nếu chúng ta chưa điều phục được thì trách mình hay trách cơ hội? Phải tự trách mình còn yếu. Nhưng đa số người tu gặp chướng duyên cứ trách thiên hạ, trách hoàn cảnh:

“Tôi tu mà thiên hạ phá tôi hoài”, chớ không ngờ chính vì mình không thật tu, hoặc tu còn yếu không chuyển được cảnh rồi thối chuyển lui sụt. Nếu nói theo đạo lý chân thật, thì thế gian này không ai phá mình cả, chỉ có mình phá mình. Tất cả cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu tự nó không bắt mình thành tốt hay thành xấu, mà chính mình mới thành tốt hay thành xấu.

Ví dụ có một Phật tử mới phát tâm tu, đi đường bỗng thấy một thỏi vàng rớt trên đất, động lòng tham lượm bỏ túi, từ đó tâm bất an, toan tính đủ chuyện hết. Bất an là do không điều phục được lòng tham, lòng nó quấy phá mất thanh tịnh mà đổ thừa do vàng cám dỗ. Nếu thấy vàng thì thấy, đi cứ đi, không bận lòng thì có gì trở ngại?

Trong cuộc đời này không có cái gì ở bên ngoài hại mình bằng chính mình không làm chủ được tham, sân, si nơi mình. Nếu biết gốc của tai họa từ tham, sân, si ở nơi mình thì phải thẳng tay mà điều phục nó, chứ không có kêu ca than trách người, trách hoàn cảnh.

Đường đến an vui

Phật và Bồ Tát chỉ cho chúng ta con đường rất cụ thể, đó là: “Biết như thật điên đảo, không thọ tất cả pháp, nội tâm tịch diệt, đến Niết Bàn”. Vậy thấy như thật điên đảo là thế nào? Điên đảo là lấy đầu làm đuôi, giả cho là chân, thấy trái ngược gọi là thấy điên đảo.

Ví dụ: Được khen thì vui, bị chê thì buồn. Lời khen chê là âm thanh vừa phát ra liền mất, nó không thật mà chấp nó là thật. Chẳng hạn người tửu lượng thấp uống nửa lít rượu đã say túy lúy, khen người tửu lượng cao uống một lít không say là giỏi, là hay; còn nguời Phật tử giữ năm giới không uống rượu bị chê là người bỏn xẻn, không biết ăn chơi.

Nếu qua lời khen đó mà vui, qua lời chê đó mà buồn là điên đảo, vì cái không đáng buồn mà buồn, không điên đảo thì là gì! Cái không đáng khen mà khen, khen để đi tới chỗ chết, cái khen đó là hại tai, sao lại mừng?

Lời khen chê không có giá trị thật mà tưởng lầm là thật, đó là điên đảo; điên đảo mà tự mãn với điên đảo nên rồi cứ đau khổ. Nhóm người này khen mình lại có nhóm nguời khác chê mình; khen chê tùy chỗ, tùy thời, tùy theo cái nhìn của mỗi người, không có lẽ thật mà mình chấp là thật, đó là sai lầm.

Tiếng nói đã không thật, giá trị khen chê cũng không thật, hai cái không thật tưởng là thật, không điên đảo là gì? Do không biết như thật điên đảo nên mới chấp nhận các pháp, khen thì vui nên giành được khen rồi dẫn tới đấu tranh, bị chê thì buồn nên nổi sân giận sinh đấm đánh lẫn nhau, gây đau khổ cho nhau không có ngày cùng.

Ngay nơi cái điên đảo mà thấy đúng như thật, thì không chấp không tạo thêm tội lỗi, mà phát triển điều hay điều tốt. Chẳng hạn như biết thân này là vô thường, giả tạm không thật, nhưng vẫn đem nó ra làm việc hữu dụng cho đời, sống một ngày làm cho xứng đáng một ngày, ngày mai còn làm nữa, ngày mốt còn làm nữa, làm hoài cho tới chết mới thôi, không chán.

Nếu nghĩ thân nay còn mai mất làm chi cho mệt, ngồi chơi uống trà cho khỏe là tai họa! Cùng một sự việc mà thấy đúng thì cuộc sống có giá trị, đời vui tươi, nếu thấy không đúng thì gây tai họa lớn không thể lường.

Vì vậy, người học Phật nương theo cái nhìn của Phật là thấy tất cả điên đảo đúng như thật, để không thọ nhận các pháp cho tâm được tịch diệt và đến Niết Bàn. Niết Bàn đối với chúng ta gần hay xa và có ai không có quyền đến không? Ai cũng có quyền đến Niết Bàn với điều kiện như đã nói...

Tác giả: Vân Tiên