Phụ nữ có đặc điểm sau nguy cơ mắc K vú cao hơn người khác: Xem bạn có trong số đó không

( PHUNUTODAY ) - Dưới đây là 6 nhóm người có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn những người khác.

Bệnh ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Thực tế cho thấy 80% bệnh nhân ung thư vú có cơ hội chữa khỏi bệnh khi phát hiện ở giai đoạn đầu. Tỷ lệ chữa khỏi giảm xuống còn 60% khi ung thư vú chuyển sang giai đoạn thứ 2. Và khi đến các giai đoạn về sau thì cơ hội lại càng giảm xuống và việc điều trị chỉ mang đến tác dụng duy trì sự sống, chứ hoàn toàn không có khả năng chữa khỏi.

6 nhóm người có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn những người khác

- Phụ nữ sau tuổi 40: ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những phụ nữ trên 45 tuổi. Đặc biệt, những phụ nữ không sinh con và sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.

- Người mắc bệnh lý về tuyến vú: như xơ vú, áp xe vú… nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư.

- Yếu tố di truyền: trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA1 và BRCA2. Những phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và/hoặc BRCA2 có thể có đến 80% nguy cơ mắc bệnh.

- Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.

- Người béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nguyên nhân là do phụ nữ bị béo phì thường sản sinh ra nhiều estrogen hơn so với phụ nữ khác. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan,…

- Người ít vận động: Chế độ ăn uống nhiều calo trong khi cơ thể lười vận động sẽ làm lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng cao dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.

Hướng dẫn tự khám vú tại nhà

Bệnh nhân ung thư vú phát hiện giai đoạn đầu vẫn có thể sống khỏe mạnh đến 20 năm và lâu hơn thế nữa nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra. Bởi vậy việc tầm soát, khám định kỳ sức khỏe là điều hết sức quan trọng để phát hiện sức khỏe bản thân.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, chị em phụ nữ nên tạo thói quen tự sàng lọc ung thư vú cho mình như khám vú tại nhà. Đây là biện pháp cần thiết giúp phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị kịp thời.

Thao tác tự khám vú tại nhà vô cùng đơn giản mà mọi phụ nữ cần biết:

Bước 1:

Bắt đầu bằng cách quan sát vào ngực của mình trong gương với hai vai để suôn thẳng và hai tay chống trên hai bên hông.

Sau đây là những gì bạn cần ghi nhận:

Vú có kích thước, hình dạng và màu sắc như thông thường

Vú có dáng vẻ đồng đều hai bên, không bị biến dạng hoặc sưng phù

Nếu bạn thấy bất kỳ sự thay đổi nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

Lột da, da nhăn nhúm lại hoặc da phồng lên

Một bên núm vú đã có thay đổi vị trí hoặc núm vú bị rút lõm vào trong

Đỏ, đau, nổi mẩn hoặc sưng nề bất kì phần nào của vú

Bước 2:

Bạn giơ cả hai cánh tay cao lên và tìm kiếm những thay đổi như trên.

Bước 3:

Bạn quan sát trong gương, tìm dấu hiệu của sự chảy dịch từ một hoặc cả hai núm vú.Đây có thể là chất lỏng, màu trắng đục như sữa, màu vàng hoặc cũng có thể là máu.

Bước 4:

Tiếp theo, khám ngực của bạn trong tư thế nằm ngửa bằng cách sử dụng tay phải để sờ nắn vú trái của và sau đó ngược lại là dùng tay trái cho vú phải.

Thao tác cần nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng vẫn chắc chắn, trơn tru với đầu các ngón tay. Luôn giữ cho các ngón tay thẳng và khép lại với nhau trong khi đưa bàn tay theo chuyển động vòng tròn vừa vặn một phần tư mỗi bên vú cho đến hết toàn bộ vú. Cần tuân theo một trình tự nhất định nhằm tránh bỏ sót như từ trên xuống dưới, từ bên này sang bên kia.

Luôn nhớ trình tự khám này và áp dụng thống nhất mỗi lần thực hiện để chắc chắn rằng bạn đã sờ nắn toàn bộ nhu mô vú. Nếu không chọn cách khám theo vòng tròn mỗi một phần tư, bạn có thể chọn vị trí bắt đầu ở núm vú, di chuyển theo vòng tròn lớn hơn và lớn hơn nữa cho đến khi bạn chạm đến mép ngoài của vú.

Bạn cũng có thể di chuyển ngón tay lên xuống theo chiều dọc hay theo hàng ngang.

Trong quá trình sờ nắn, hãy chắc chắn về sự cảm nhận mật độ trên tất cả các mô từ phía trước đến phía sau ngực của bạn. Theo đó, đối với da và mô ngay bên dưới da, sử dụng áp lực nhẹ; kế tiếp, sử dụng áp lực trung bình cho mô ở giữa ngực và sử dụng áp lực lớn cho các mô sâu ở phía sau. Dấu hiệu báo cho bạn biết đã đạt đến mô sâu là bạn sẽ có thể cảm thấy xuống các xương lồng ngực của mình.

Bước 5:

Cuối cùng, sờ nắn và cả quan sát toàn bộ ngực của bạn trong khi đang đứng hoặc ngồi. Nhiều phụ nữ thấy rằng cách dễ nhất để cảm nhận ngực là khi da ướt và trơn, vì vậy họ thích thực hiện bước này khi tắm. Đừng bỏ sót bất cứ phần vú nào của bạn bằng cách sử dụng các động tác tay tương tự được mô tả trong bước 4.

Ngoài ra, chị em phụ nữ cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học: giảm một số chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… tránh ăn mỡ, da động vật; thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế đồ uống có cồn, rượu bia, đồ uống có ga... để tránh nguy cơ ung thư.

Luyện tập thể dục thường xuyên, bổ sung đầy đủ chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…) trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn nhiều rau củ quả: những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn… vì trong các loại rau họ cải rất giàu glucosinolate. Hoạt chất này có khả năng ức chế sự gia tăng tế bào và ngăn ngừa sự hình thành khối u ở vú.

Tác giả: Vũ Ngọc