Sau tiêm vắc xin Covid-19, cần theo dõi bao lâu để biết mình an toàn, không gặp biến chứng?

( PHUNUTODAY ) - Tiêm vắc xin hiện nay là biện pháp duy nhất để đạt miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi Covid-19. Tuy nhiên, sau khi tiêm bạn cần theo dõi sát sao.

Sau tiêm vắc xin Covid-19, cần theo dõi bao lâu?

Theo văn bản hướng dẫn tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế ban hành có quy định: Người dân sau khi tiêm xong cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm. Khi kết thúc thời gian theo dõi, người dân sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm chủng.

Khi về nhà, người dân vẫn cần tự tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 28 ngày, nhất là trong vòng 7 ngày đầu về dấu hiệu toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm.

Khi thấy mình có một trong những dấu hiệu sau, thông báo ngay cho nhân viên y tế:

+ Miệng có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi

+ Phát ban dưới da, nổi mẩn đỏ hoặc tím tái, đỏ da, xuất huyết hay xuất huyết dưới da.

+ Cảm giác ngứa, căng cứng ở họng, bị nghẹn họng, nói khó.

+ Xuất hiện triệu chứng đau đầu kéo dài, dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

+ Có cảm giác đau tức ngực, đánh trống ngực, hồi hộp kéo dài, ngất.

+ Nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy.

+ Khó thở , thở rít, khò khè, tím tái

+ Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường, đau dữ dội bất thường ở 1 hoặc nhiều nơi dù không có va chạm, sốt cao liên tục trên 39 độ mà không hạ dù đã sử dụng thuốc hạ sốt.

Theo Bộ Y tế, sau khi tiêm vắc xin Astra có khoảng 30% người gặp phản ứng nhẹ như sốt, tiêu chảy, đau tại chỗ tiêm… Có khoảng 0,1% có phản ứng nặng như phù mạch tại vị trí tiêm, kẹt huyết áp, sốc phản vệ. Đây là những dấu hiệu rất nguy hiểm cần được xử lý càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, có nhiều người thắc mắc rằng sau khi tiêm vắc xin về xong thì xuất hiện triệu chứng ‘cánh tay Covid-19. Đó là cảm giác đau đớn, sưng tấy khó chịu, phát ban ở cánh tay ngay tại chỗ tiêm. Triệu chứng này thường xuất hiện khoảng 7 ngày sau mũi tiêm đầu tiên và 2 ngày sau mũi tiêm thứ 2.

Nhiều người khi có triệu chứng này vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch với vắc xin mà thôi. Nó thường kéo dài từ 3 – 5 ngày là sẽ hết. Hơn nữa, nó cũng không tiến triển nặng tới mức đe dọa tính mạng hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Đồng thời cũng không liên quan tới phản vệ sau tiêm.

Sau khi tiêm vắc xin, mọi người cần chú ý một số điểm sau để bảo vệ chính mình, tránh trường hợp xấu có thể xảy ra

+ Cần có người ở bên cạnh hỗ trợ, chăm sóc 24/24, ít nhất là trong vòng 3 ngày đầu sau khi tiêm xong. Vì đây là thời gian mà nếu có biến chứng thì rất dễ xảy ra.

+ Tránh xa rượu bia và các chất kích thích càng lâu càng tốt. Trường hợp có lý do bất khả kháng thì cũng phải tránh ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

+ Có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, nên ăn nhiều rau xanh và trái cây cùng các loại gia vị có khả năng kháng viêm.

+ Khi thấy chỗ tiêm bị sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ thì tiếp tục theo dõi. Nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay. Không nên tự ý bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì nhất là theo các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng.

+ Thường xuyên theo dõi thân nhiệt, sốt dưới 38,5 độ chỉ cần cởi bớt quần áo, chườm hoặc lau bằng khăn ấm tại trán, nách, bẹn và uống đủ nước, đảm bảo cơ thể không nhiễm lạnh. Sau 30 phút đo lại. Nếu sốt từ 38,5 độ trở lên thì uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Cơn sốt nếu không hạ hoặc bị sốt lại trong vòng 2 ngày, thông báo ngay cho nhân viên y tế.

Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vaccine trước.

Ngoài ra, cần cung cấp thông tin về tình trạng nhiễm virus hoặc mắc Covid-19 (nếu có); Các loại vaccine được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; Tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu đối tượng là nữ và trong độ tuổi sinh đẻ);

Nên chủ động tìm hiểu và đưa ra câu hỏi với cán bộ y tế: Thông tin liên quan đến vaccine phòng Covid-19 sắp được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo; Các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và cách xử trí; Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết.

Tác giả: Thạch Thảo