Thời gian qua, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kế hoạch chuẩn hoá thông tin thuê bao, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng SIM rác.
Theo đó, thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP trong lĩnh vực viễn thông di động, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, góp phần giải quyết triệt để tình trạng sử dụng SIM thuê bao di động có thông tin không đúng quy định, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa.
Theo yêu cầu của Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, các thuê bao di động phải chuẩn hóa thông tin trước ngày 31/3/2023 nếu không sẽ bị khóa 1 chiều.
Những thuê bao di động sau ngày 31/3/2023 không thực hiện theo yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao, các nhà mạng sẽ tạm dừng 1 chiều trong vòng 15 ngày. Trong thời gian đó, vẫn chưa chuẩn hóa thông tin, thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông cả 2 chiều.
Sau 30 ngày, kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều, cá nhân, tổ chức không thực hiện chuẩn hóa, nhà mạng sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông đối với những thuê bao này.
Nhiều người băn khoăn liệu trước đây thuê bao di động đăng ký chính chủ bằng CMND nhưng giờ đổi sang CCCD gắn chip có thuộc diện cần bổ sung thông tin không.
Tuy nhiên, các nhà mạng khẳng định chứng minh nhân dân cũ vẫn hợp lệ. Theo Vinaphone, về mặt quy định, chứng minh nhân dân vẫn có giá trị nên nếu thông tin đúng, người dùng không cần lo lắng. Chiến dịch lần này chủ yếu tập trung vào việc khắc phục những tồn tại của dữ liệu, ví dụ thiếu giấy tờ, sai họ tên, sai ngày tháng năm sinh, chứ không phân biệt CMND hay CCCD gắn chip.
Nhà mạng cũng nhấn mạnh chỉ thuê bao nhận được thông báo mới cần đi chuẩn hóa. Tình trạng khóa nhầm sẽ không xảy ra, bởi họ "đã rà soát kỹ, đồng thời gửi tin nhắn tới thuê bao trước khi tiến hành khóa một chiều".
Ở giai đoạn này, thuê bao không chính chủ, tức SIM đang được đăng ký bằng thông tin của người khác, cũng không bị khoá SIM. Tuy nhiên, nhà mạng khuyến nghị người dùng nên sử dụng SIM đúng thông tin của mình, sớm cập nhật CMND sang CCCD. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi, tránh rủi ro pháp lý như sự cố lừa đảo, tranh chấp thuê bao có thể phát sinh.
Ngoài ra, SIM chính chủ liên kết với số CCCD gắn chip còn phục vụ quá trình sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Đại diện các nhà mạng khẳng định nếu là SIM chính chủ, người dùng có thể dễ dàng đổi từ giấy tờ cũ sang giấy tờ mới mà không gặp vấn đề. Ngoài ra, người dùng cũng có thể thao tác trên ứng dụng di động như My Viettel, My VNPT, My MobiFone hoặc gọi điện đến tổng đài để được hỗ trợ.
Tác giả: Min Min
-
Nhìn ký hiệu trên thẻ BHYT mẫu mới để biết mức hưởng cao nhất là bao nhiêu
-
Từ 1/7/2023 tăng lương cơ sở, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi thế nào?
-
Muốn biết số điện thoại lạ vừa gọi đến là ai: Tiếp thị hay lừa đảo làm cách này để tự bảo vệ mình
-
Có 5 trường hợp chữa bệnh trái tuyến vẫn được hưởng 100% BHYT, đó là trường hợp nào?
-
Từ 1/7/2023 tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng lên như thế nào? Người lao động nên biết tránh thiệt thòi