Gửi tiết kiệm được nhiều khách hàng lựa chọn như một cách tích lũy tài chính vừa an toàn lại vừa có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, rất nhiều người gửi tiết kiệm thường xuyên nhưng chưa hiểu rõ về hình thức này. Sổ tiết kiệm có chuyển khoản được không là thắc mắc của nhiều người khi sử dụng hình thức này.
Sổ tiết kiệm có chuyển khoản được không
Bản chất của tài khoản tiết kiệm là tăng khả năng sinh lời dựa trên nguồn vốn, do đó sổ tiết kiệm không thể chuyển khoản được. Trường hợp muốn chuyển khoản, khách hàng cần thực hiện rút tiền từ sổ tiết kiệm sang tài khoản thanh toán thực hiện giao dịch như bình thường. Theo đó, người gửi có thể rút một phần tiền tiết kiệm hoặc rút toàn bộ.
- Rút tiền một phần: Số tiền được rút ra tính theo lãi suất không kỳ hạn, phần tiền còn lại vẫn được tính theo lãi suất đã cam kết ban đầu. Lưu ý, trường hợp rút một phần chỉ áp dụng cho tài khoản tiết kiệm rút gốc linh hoạt. Khi chọn hình thức rút gốc linh hoạt thì lãi suất tiền gửi thấp hơn so với hình thức tiết kiệm thông thường.
- Rút tiền toàn bộ: Toàn bộ số tiền rút ra sẽ được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
Có được chuyển tiền vào sổ tiết kiệm hiện có?
Trước đây, theo quy định của các ngân hàng, khách hàng chỉ được gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn một khoản tiền nhất định. Nếu có nhu cầu gửi thêm tiền vào sổ tiết kiệm thì phải đợi đến khi đáo hạn hoặc tất toán sổ tiết kiệm trước hạn rồi làm thủ tục mở tài khoản tiết kiệm mới.
Thế nhưng giờ đây, khách hàng có thể gửi thêm tiền vào sổ tiết kiệm với các sản phẩm tiết kiệm đa dạng của ngân hàng. Khách hàng không phải tất toán tài khoản cũ, vẫn có thể gửi thêm tiền và nhận lãi suất hấp dẫn từ ngân hàng.
- Với gửi tiết kiệm thông thường: khách hàng không thể chuyển thêm tiền vào sổ tiết kiệm hiện tại. Với trường hợp này, khách hàng có thể mở thêm sổ tiết kiệm mới để hưởng những ưu đãi lãi suất tiền gửi tại thời điểm gửi tiền.
- Với gửi tiết kiệm tích lũy: khách hàng có thể chuyển thêm tiền vào sổ tiết kiệm. Hình thức này tính theo lãi suất tiết kiệm của kỳ hạn gửi tại các mốc điều chỉnh nhất định (thường là theo tháng). Số tiền thêm vào cũng được tính theo lãi này và thời gian thực gửi theo ngày. Khi gửi tiết kiệm tích lũy bạn hưởng được những lợi ích sau:
+ Có thể gửi tiết kiệm với khoản tiền nhỏ: Khách hàng có thể gửi tiết kiệm tích lũy với số tiền nhỏ, tối thiểu là 100.000 đồng. Đây là ưu điểm giúp khách hàng chủ động xây dựng kế hoạch tài chính.
+ Gửi tiền định kỳ giúp bạn tiết kiệm có kỷ luật: Với hình thức gửi tiền định kỳ, khách hàng dần hình thành thói quen tiết kiệm có kỷ luật.
+ Có thể thế chấp sổ tiết kiệm khi cần vốn cấp bách: Khách hàng có thể thế chấp sổ tiết kiệm để tiếp cận khoản vay, đáp ứng nhu cầu tài chính nhanh chóng.
Nên gửi tiết kiệm thông thường hay tích lũy?
Nhiều khách hàng thắc mắc gửi tích lũy khác gì gửi tiết kiệm? Hai hình thức này có những điểm khác biệt sau đây:
- Đối với gửi tiết kiệm thông thường: Khách hàng gửi tiền 1 lần và hưởng lãi suất cố định. Nếu khách hàng muốn gửi thêm thì cần phải mở tài khoản tiết kiệm mới.
- Đối với gửi tiết kiệm tích lũy: Khách hàng gửi nhiều lần theo định kỳ với tiền lãi được tính trên số tiền gốc (tăng lên sau mỗi kỳ).
Theo đó, lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm thông thường hay tích lũy còn phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng như sau:
- Chọn gửi tiết kiệm thông thường: Phù hợp với khách hàng đã có số tiền cố định, và muốn gửi 1 lần để sinh lời theo kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 1 năm,...
- Chọn gửi tiết kiệm tích lũy: Phù hợp với khách hàng chưa có số dư nhiều nhưng thu nhập ổn định và muốn gửi tiết kiệm để "tích tiểu thành đại" thực hiện các dự định như mua nhà, mua xe, du lịch,...
Tác giả: Vũ Thêm
-
Sổ tiết kiệm đứng tên người đã mất, người thân có rút được tiền không, ai mới được thừa kế?
-
Sổ tiết kiệm ngân hàng được chia thừa kế thế nào, thủ tục rút tiền ra sao?
-
Tại sao nhân viên ngân hàng khuyên bạn nên mở nhiều sổ tiết kiệm thay vì mở 1 sổ duy nhất?
-
Sổ tiết kiệm đứng tên người đã mất, người thân có rút được tiền không?
-
Sổ tiết kiệm đứng tên một người, khi ly hôn vợ hoặc chồng có được chia tài sản đó không?