GS Đỗ Doãn Lợi – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, thành phần chính của mì chính chứa nhiều muối natri.
Nhiều người cho rằng thêm mì chính sẽ giúp món ăn "đưa miệng" và có vị ngọt hoặc khí nấu ăn quá mặn thì dùng mì chính để "chữa cháy". Đây là một việc làm vô cùng sai lầm. Nó chỉ khiến món ăn càng thêm mặn hơn.
Bên cạnh đó, TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mì chính tuy có vị ngọt nhưng bản chất nó vẫn chứa nhiều natri. Đây chính là nguồn đưa muối mặn vào cơ thể. Natri có tác dụng làm tăng thể tích tuần hoàn máu. Người ăn mặn sẽ cần uống nhiều nước. Một lượng nước lớn đi vào máu sẽ khiến nước đổ về các mạch máu gia tăng kéo theo việc tăng áp lực cho mạch máu. Khi đó, tim phải co bóp đẩy máu nhiều hơn. Về lâu dài, nó có thể dẫn tới hiện tượng tăng huyết áp, suy tim.
Khi huyết áp tăng, lượng máu xối lên các thành mạch nhiều hơn. Hiện tượng này kết hợp với tình trạng rối loạn mỡ máu sẽ gây ra xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Do đó, các chuyên gia luôn khuyến cáo chúng ta nên ăn ít muối và mì chính.
Mì chính không hề gây ra một số bệnh như lời đồn. Năm 1987, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết luận "quá trình chuyển hóa mì chính trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau, mì chính an toàn cho người sử dụng và có liều dùng hàng ngày không xác định".
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lưu ý rằng, thành phần của mì chính là natri. Tiêu thụ nhiều natri sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tăng huyết áp, loãng xương, rối loạn tiêu hóa. Do đó, chúng ta không nên lạm dụng mì chính.
Khi chế biến thức ăn cho trẻ dưới 12 tuổi, người lớn cũng không cần sử dụng các gia vị như muối, nước mắm, mì chính. Với trẻ lớn hơn cũng không nên sử dụng vì mì chính không có giá trị dinh dưỡng.
Khi nấu, nếu đã cho mì chính thì nên giảm lượng muối để đảm bảo không dư thừa muối.
Tác giả: Thanh Huyền