Phần lớn mọi người khi nhắc đến công chúa đều nghĩ họ được ăn sung mặc sướng, không phải làm gì. Họ được mặc trang phục làm từ gấm vóc, lụa là, từ ăn uống đến tắm rửa đều có người hầu hạ. Đó là cuộc sống mà hẳn nhiều người mơ ước.
Vậy nhưng ít ai biết rằng công chúa thời nhà Thanh thường yểu mệnh, ít ai có thể sống tới tuổi trưởng thành, hơn nữa họ gần như không có con cái.
Điều này chỉ đúng từ khi vương triều này tiến vào trung nguyên. Trước đó, công chúa của 2 vị vua đầu tiên của triều Thanh vẫn khỏe mạnh và sống khá lâu so với tuổi thọ trung bình của thời đó và họ cũng sinh nhiều con. Nhưng từ sau khi nhà Thanh tiến vào làm chủ trung nguyên, số phận của các nàng công chúa lại không được lâu dài như vậy.
Các ghi chép có liên quan cho thấy, cố các nàng công chúa có thể sống sót tới tuổi trưởng thành trong từng thời kỳ là: Thời vua Thuận Trị chỉ có 1/6 người, thời Khang Hy chỉ có 8/20 người, thời Ung Chính chỉ có 1/4 người và trong số 10 người con gái của Càn Long chỉ có 5 người sống tới lúc trưởng thành.
Vốn là lá ngọc cành vàng, được chăm sóc hầu hạ từ lúc lọt lòng, có bệnh là thái y có mặt nhưng vì sao tuổi thọ của công chúa lại ngắn như vậy? Sở dĩ công chúa trong triều đại nhà Thanh có tỉ lệ tử vong cao như vậy chủ yếu là do các nguyên nhân:
Sinh ra đã bị tách khỏi mẹ
Nhằm tránh thế lực bên họ ngoại (tức bên nhà vợ của hoàng đế) gây ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước và người kế thừa, nhà Thanh đã xây dựng một hệ thống hỗ trợ những người thừa kế theo cách: Các hậu duệ của vua dù là con của ai cũng đều do bảo mẫu chăm sóc kể từ khi chào đời.
Do đó, công chúa sinh ra không được nuôi bằng sữa mẹ, không nhận được kháng thể tăng cường miễn dịch từ mẹ nên tỷ lệ tử vong sớm sẽ tăng cao. Khoa học ngày nay đã chứng minh sữa mẹ quan trọng với sự phát triển của một đứa trẻ. Bên trong sữa mẹ có chứa kháng thể IgG cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ.
Từ nhỏ, công chúa nhà Thanh đã thiếu tình yêu của mẹ, dù được các nhũ mẫu chăm sóc nhưng tất nhiên không thể chu đáo bằng mẹ ruột nên tinh thần cũng bị ảnh hưởng, dễ bị trầm cảm hơn.
Môi trường sống thiếu khỏe mạnh
Thời cổ đại, các hoàng tử ngoài văn ôn còn được võ luyện, được tham gia các hoạt động thể chất như cưỡi ngựa, bắn cung. Điều này giúp rèn luyện thân thể, tạo nền tảng vững chắc cho sức khỏe của các hoàng tử.
Nhưng công chúa không được như vậy. Họ không thể ra ngoài săn bắn và bắn cung như nam giới. Họ phải học thư pháp, hội họa, đàn hát, nhảy múa,… hoặc những thứ nữ công như thêu thùa. Công chúa không được rèn luyện thân thể thường xuyên nên sức khỏe ngày càng yếu ớt, sức đề kháng kém, một khi lây nhiễm bệnh thường khó chống chọi được. Vì lý do này mà tuổi thọ của họ thường ngắn và có tình trạng thể chất tồi tệ.
Những cuộc liên hôn vì chính trị
Công chúa nhà Thanh sinh ra đã được định sẵn là dùng để liên hôn với các nước khác nhằm củng cố quyền lực, địa vị đất nước. Sau khi Hoàng Thái Cực nhập quan và chính thức thành lập Thanh triều, Mông Cổ được xem là một trong những đồng minh quan trọng hàng đầu của Đại Thanh. Vì sự ổn định của họ Ái Tân Giác La, các hoàng đế nhà Thanh từ sớm đã bắt đầu thúc đẩy chính sách liên hôn tới tộc người này.
Các công chua nhỏ vốn sống trong cung cấp nay lại đến xứ sở xa xôi không người thân thích nên dễ chịu cảnh dù là chính thê nhưng địa vị có khi không bằng sủng thiếp. Bên cạnh đó, sự khác biệt về khí hậu, nếp sống cùng nỗi cô đơn có thể khiến họ dễ suy yếu cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì lẽ đó, tuổi thọ khó kéo dài.
Một điều nữa là công chúa nhà Thanh đi liên hôn không được phép sinh con. Nếu có con cũng buộc phải phá bỏ do dòng dõi hoàng gia Mông Cổ không chấp nhận con cái của người ngoại tộc. Vì vậy, nếu phải phá thai, sức khỏe của các công chúa tất nhiên sẽ càng suy yếu.
Thêm vào đó, Mông Cổ có tập tục người kế vị Khả hãn tiếp theo sẽ được quyền thừa kế toàn bộ các vật phẩm của vị Khả hãn đời trước, gồm cả thê thiếp. Điều đáng nói là người kế vị thường là con trai hoặc anh em trai có quan hệ huyết thống gần gũi với Khả hãn tiền nhiệm.
Như vậy, các công chúa nhà Thanh sẽ buộc phải lấy con trai hoặc anh em trai của chồng trước, nếu người chồng này chẳng may qua đời hoặc bị buộc thoái vị. Họ không thể chấp nhận được cảnh đó nên thường chọn cái chết để giữ gìn trong sạch.
Quan hệ vợ chồng xa cách
Có những công chúa liên hôn nhưng may mắn là được xây dựng một phủ ở kinh thành và sống phần lớn ở đó. Nhưng họ cũng không hạnh phúc hơn bao nhiêu khi không được sống cùng chồng.
Họ thường sống một mình trong phủ công chúa, nếu muốn gặp chồng phải xin phép hoặc nhận được lệnh triệu tập. Mặc dù đã là vợ chồng nhưng lại không thể nằm chung giường, đây là tổn thương tinh thần lớn đối với công chúa.
Quyền gặp gỡ cũng không nằm trong tay công chúa mà nằm trong tay quản gia bên cạnh công chúa. Các tài liệu sử sách liên quan cho biết, mỗi lần muốn gặp nhau, công chúa và chồng phải trả một khoản phí để mua chuộc quản gia.
Vì nếu không “hối lộ” thì dù có lệnh cho phép gặp mặt, các quản gia cũng sẽ tìm đủ mọi cớ ngăn cản.
Như vậy có thể thấy, các công chúa cả đời thiếu nhất là “chữ tình”. Họ sinh ra thiếu tình mẹ, kết hôn ở nơi thiếu tình thân, lấy chồng nhưng không được ở cùng nên thiếu tình yêu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và dần dần khiến sức khỏe yếu ớt, đoản thọ.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Vua Càn Long thưởng cho phi tần mới sinh công chúa 2 quả dưa chuột khiến nàng sung sướng đến phát khóc? Tại sao?
-
Công chúa Việt đi lấy chồng, của hồi môn gồm những gì?
-
Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trở thành Hoàng Hậu ở nước ngoài: Ai cũng bất ngờ khi biết tên
-
Công chúa nhà Trần thầm thương trộm nhớ Yết Kiêu nhưng phải làm dâu Mông Cổ
-
Càn Long vừa thấy Hàm Hương đã say đắm không rời mắt nhưng vì sao chỉ sủng hạnh nàng 1 đêm?