Tại sao không bao giờ nên ngâm bát đĩa bẩn qua đêm: Tưởng không hại mà hại không tưởng

( PHUNUTODAY ) - Ngâm bát đĩa qua đêm có thể gây hại cho sức khỏe. Bạn nên từ bỏ thói quen này càng sớm càng tốt.

Vì sao không nên ngâm bát đĩa bẩn qua đêm?

Nhiều người có thói quen ngâm bát đĩa bẩn trong bồn rửa qua đêm để hôm sau có thể dễ dàng loại bỏ các vết bẩn hơn. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng các chuyên gia y tế lại không khuyến khích. Vì sao vậy?

Mới đây tạp chí Mental Floss đã đưa ra một báo cáo cho thấy thói quen ngâm bát đĩa bẩn qua đêm có thể khiến chúng bẩn hơn. Để bát đĩa bẩn trong bồn rửa càng lâu thì vi khuẩn càng có cơ hội phát triển. Đặc biệt là khi chúng ta ngâm bát đĩa trong nước nóng.

Vi trùng có hại trong bồn rửa có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau ví dụ như vi khuẩn E.coli hoặc Salmonella có thể đến từ thịt sống, hải sản. Chúng bám trên dao, thớt sau khi sử dụng và lây lan sang các đồ vật khác nếu không được rửa ngay.

Trong trường hợp này, tốt nhất nên rửa vật dụng ngay lập tức để ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi.

Vi khuẩn, vi trùng cùng có thể bắt nguồn từ rau củ, trái cây, thậm chí từ đường ốn thoát nước. Trong bồn rửa nhà bếp, một lượng nhỏ vi khuẩn cũng có thể sinh sôi nhanh chóng. Bồn rửa có môi trường ẩm ướt, chứa đầy các vụn thức ăn chính là nơi sống lý tưởng của vi khuẩn.

Do đó, sau mỗi bữa ăn, bạn nên rửa bát đĩa càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Một số lưu ý khác khi rửa bát

Dùng quá nhiều nước rửa bát

Bạn không cần quá nhiều chất tẩy rửa khi rửa bát. Sử dụng nhiều chất tẩy rửa sẽ khiến bạn khó làm sạch bát đĩa hơn. Một lượng hóa chất dính trên bát đĩa không được loại bỏ hết có thể thôi ra thức ăn và làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chỉ nên dụng một lượng nước rửa bát vừa phải so với chén đĩa cần rửa. Nếu lượng bát đĩa quá nhiều, bạn có thể lấy nước rửa bát nhiều lần. Sau đó, tráng bát đĩa thật kỹ với nước sạch và để cho khô ráo.

Không thay miếng mút/khăn rửa bát

Nhìn bề ngoài có thể miếng mút rửa/khăn rửa bát trông vẫn lành lặn, có thể dùng trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên chúng cũng có "hạn sử dụng". Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi tập tụ nhiều vi khuẩn nhất, thậm chí còn bẩn hơn cả bồn cầu.

Theo một nghiên cứu của Charles Gerba – nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ), một miếng rửa chén có thể chứa khoảng 10 triệu vi khuẩn/2.54cm2 (trong khi đó, bồn cầu chỉ chứa tầm 50 vi khuẩn/2.54cm2 mà thôi). Điều đáng quan ngại hơn là vi khuẩn phát triển và phân chia mỗi 20 phút. Điều này khiến miếng rửa chén ngày càng bẩn.

Sau mỗi lần sử dụng, bạn nên rửa sạch miếng mút rửa chén bát, để cho chúng khô ráo.

Tác giả: Thanh Huyền