Tết ông Công ông Táo 2024 vào ngày nào dương lịch?

( PHUNUTODAY ) - Ngày lễ ông Công ông Táo 2024 rơi vào ngày nào dương lịch là quan tâm của nhiều người, hãy tìm hiểu!

Tết ông Công ông Táo vào ngày nào?

Tết ông Công ông Táo là một trong những dịp lễ quan trọng trước Tết Nguyên Đán. Theo phong tục, Tết ông Công ông Táo sẽ được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp (tức 23/12 âm lịch), hàng năm.

Theo lịch vạn niên, Tết ông Công ông Táo 2024 rơi vào thứ Sáu, ngày 2/2/2024. Đây là ngày cuối tuần nên các gia đình có thể chuẩn bị chu đáo, tươm tất và tiến hành nghi thức cúng ông Công ông Táo vào đúng ngày 23 tháng Chạp.

Trong trường hợp gia chủ có việc bận vào ngày này thì cũng có thể cúng Táo quân trước ngày 23 tháng Chạp.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo

Để Táo quân về trời báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện hạ giới được đủ đầy, mỗi gia đình cần chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thật chu đáo và đẹp mắt. Thông thường, mâm cỗ cúng truyền thống bao gồm rất nhiều món, bao giờ cũng có các món ăn và lễ vật.

Mũ ông Công ông Táo ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ dành cho các Táo ông có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này có gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

Hai ông Táo, một ít vàng mã tượng trưng.

Mâm cỗ mặn gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho.

Lễ vật khác: 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc.

Cá chép

Các gia đình có thể tùy điều kiện, hoàn cảnh để soạn mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, không nhất thiết phải cầu kỳ nhiều món, miễn là lòng thành.

Ông Công ông Táo là ai?

Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc, và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Về sự tích Táo quân, có nhiều truyền thuyết được dân gian truyền lại, trong đó, phổ biến nhất là truyện thường được kể dưới nhan đề sự tích ông đầu rau hay sự tích vua Bếp với rất nhiều dị bản.

Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về. Người vợ để tang chồng, sau đó, nối duyên với một người đã cưu mang nàng.

Một ngày kia, trong khi người chồng mới đi vắng, người chồng cũ bỗng trở về. Lúc này, người vợ chỉ biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn. Sợ điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ.

Thấy chồng cũ chết oan uổng trong đống rơm, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa cùng chết. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện.

Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa nên phong cho họ làm vua Bếp (Táo quân) để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ. Trong bộ ba đó, người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Không chỉ định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo quân còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Hằng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt, xấu của con người trong năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.

Với mong muốn thần Bếp phù hộ cho gia đình mình được nhiều may mắn, người Việt thường làm lễ tiễn đưa Táo quân chầu trời một cách long trọng.

Tác giả: Thạch Thảo