Trà xanh và cà phê là những loại đồ uống quen thuộc đối với mọi người. Cả hai loại này đều có chứa caffein mang lại cảm giác tỉnh táo. Ngoài ra, cà phê và trà xanh còn có chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, làm chậm lão hóa...
Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng của cà phê và trà xanh còn có nhiều điểm khác biệt, mang lại những lợi ích riêng cho cơ thể.
Nếu thay thế hoàn toàn cà phê bằng trà xanh, bạn sẽ nhận được lợi ích gì?
Trà xanh giúp đầu óc tỉnh táo nhưng không bị bồn chồn, tim đập nhanh
Cà phê và trà xanh cùng chứa caffein nhưng cách mà chất này tác động đến cơ thể khi sử dụng hai loại đồ uống này lại khác nhau.
Cà phê tạo cảm giác tỉnh táo nhanh chóng. Tuy nhiên, do lượng caffein cao nên nó có thể gây ra trạng thái lo lắng, bồn chồn. Năng lượng tăng nhăng nhưng cũng giảm khá nhanh.
Trong khi đó, trà xanh có lượng caffein vừa phải lại chứa cả L-theanine, một loại acid amin đặc biệt mang lại trạng thái tỉnh táo nhẹ nhàng, giúp tăng khả năng tập trung. Các lợi ích này kéo dài hơn so với khi bạn uống cà phê. Ngoài ra, việc uống trà xanh không gây ra các vấn đề như bồn chồn, tim đập nhanh.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng L-theanine có khả năng tăng cường sóng alpha trong não. Việc này có liên quan đến khả năng tập trung tinh thần và thư giãn.
Trà xanh nhiều chất chống oxy hóa hơn
Trà xanh là loại đồ uống có hàm lượng chất chống oxy hóa cực kỳ cao. Nó chứa các catechin như epigallocatechin-3-gallate (viết tắt là EGCG). Nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu về trà xanh đã chỉ ra điều này.
Các chất chống oxy hóa trong trà xanh có tác dụng chống lại gốc tư do gây hại cho cơ thể. Các gốc tự do là nguyên nhân gây tổn thương cho tế bào, làm tăng tốc độ lão hóa, gây ra một số bệnh. Chất chống oxy hóa sẽ giúp giảm căng thẳng oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa của tế bào, giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa các bệnh mạn tính.
Cà phê cũng chứa chất chống oxy hóa tùy nhiên hàm lượng và chủng loại lại không cao bằng trà xanh. Người ta thường đánh giá trà xanh cao hơn trong mặt chống oxy hóa, tác động của nó cũng đa dạng hơn.
EGCG (epigallocatechin-3-gallate) là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong trà xanh được nghiên cứu khá rộng rãi.
Trà xanh hỗ trợ sức khỏe tim mạch và trí não tốt hơn
Tiềm năng của trà xanh trong việc củng cố sức khỏe tim mạch đã được nhiều nhiều nghiên cứu chỉ ra. Việc sử dụng trà xanh một cách hợp lý sẽ giúp giảm cholesterol LDL - cholesterol xấu trong cơ thể đồng thời giúp hạ huyết áp. Ngoài ra, mạch máu cũng được các chất chống oxy hóa trong trà xanh bảo vệ, ngăn chặn các tổn thương do gốc tự do gây ra.
Bên cạnh đó, caffein và L-theanine trong trà xanh cũng mang lại nhiều lợi ích cho trí não như cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung, cải thiện các chức năng khác của não.
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, một nghiên cứu ở Nhật Bản được thực hiện trong suốt 11 năm cho thấy nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở những người uống hơn 2 tách trà xanh/ngày giảm từ 22% đến 33% so với những người uống ít hơn nửa tách/ngày.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khách cũng chỉ ra rằng uống trà xanh đều đặn sẽ giúp giảm huyết áp.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí "Frontiers in Aging Neuroscience" năm 2022, thói quen uống trà có liên quan đến người lớn tuổi Trung Quốc có tỷ lệ mắc chứng suy giảm nhận thức thấp hơn. Trà xanh cũng có tác dụng tăng cường khả năng học hỏi, liên kết, ngăn ngừa sự suy giảm trí nhớ.
Trà xanh tốt cho hệ tiêu hóa hơn
Cà phê có tính axit cao hơn so với trà xanh. Loại đồ uống này còn chứa các hợp chất kích thích sản xuất axit dạ dày. Trong khi đó, trà xanh có độ pH trung tính đến kiềm, có caffein và L-theanine, là lựa chọn nhẹ nhàng hơn đối với hệ tiêu hóa.
Người có tiền sử bệnh dạ dày, hay bị trào ngược axit có thể sử dụng trà xanh thay cho cà phê để giữ đầu óc tỉnh táo mà không kích thích hệ tiêu hóa, gây ra các phản ứng khó chịu.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí "The American Journal of Gastroenterology" năm 2006, người ta đã làm khảo sát về nhiều loại đồ uống khác nhau có liên quan đến triệu chứng trào ngược axit dạ dày. Trong đó, cà phê được chỉ ra rằng có khả năng làm tình trạng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn. Đối với người nhạy cảm, cà phê cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng tiêu hóa khác. Trong khi đó, lượng caffein trong trà xanh ít hơn nên ít gây ra vấn đề này hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng trà xanh cũng cần liều lượng hợp lý, điều độ, dùng đúng cách để tránh tác dụng phụ. Trà xanh có chứa tannin có thể gây ra một số vấn đề đối với cơ thể nếu không dùng đúng cách. Uống trà xanh đậm đặc hay uống ngay sau khi ăn sẽ không có lợi cho sức khỏe, ngăn cản khả năng hấp thụ các dưỡng chất của cơ thể.
Tác giả: Nguyệt Tú
-
Tay mọc mụn nước li ti có sao không?
-
3 “món khoái khẩu” âm thầm phá hủy lá gan: Bác sĩ cảnh báo nhiều người Việt đang ăn hàng ngày
-
Loại rau cứ cắm xuống đất là mọc tua tủa, giàu sắt hơn thịt bò, giá chỉ 5 nghìn/bó
-
5 sai làm khi ăn gạo lứt: 10 nhà thì 9 nhà mắc phải mất hết dinh dưỡng
-
Cách chữa phồng rộp da chân khi đi bộ nhiều, mang giày chật