Lương y Đỗ Minh Tuấn – Hội Đông y Hà Nội chia sẻ:
Dứa là loại trái cây nhiệt đới quen thuộc, đặc biệt phổ biến vào mùa hè. Với hàm lượng cao vitamin C và mangan, dứa có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ hấp thụ sắt, chống oxy hóa và phòng ngừa nhiều bệnh mạn tính.
Ngoài ra, các hợp chất như vitamin A, bromelain, flavonoid, beta-carotene trong dứa giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư thường gặp như ung thư cổ họng, khoang miệng, đường ruột và vú.

Dứa còn chứa nhiều khoáng chất quan trọng như kali – giúp điều hòa huyết áp, hoạt động tim mạch, tiêu hóa và cân bằng điện giải. Mangan trong dứa hỗ trợ tăng trưởng và chuyển hóa năng lượng.
Theo Đông y, dứa là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thực, lợi tiểu, chỉ khát. Với vị chua ngọt, tính mát, dứa giúp:
Tiêu thực, hóa đàm: Cải thiện tiêu hóa, giảm đầy bụng, khó tiêu.
Chỉ khát, sinh tân: Giải nhiệt, giảm khô miệng, nóng trong.
Thanh nhiệt, trừ thấp: Giúp lợi tiểu, hỗ trợ đào thải độc tố.
Giảm viêm nhẹ: Hỗ trợ viêm họng, đau dạ dày nhẹ, đặc biệt khi kết hợp với mật ong hoặc muối.
Một số mẹo dân gian hữu ích với dứa:
Dứa hấp mật ong: Giúp nhuận phế, giảm ho có đờm, ngứa rát họng.
Nước ép dứa pha loãng: Giải nhiệt, kích thích tiêu hóa.
Dứa xào chín hoặc nướng: Phù hợp với người có tỳ vị yếu, dễ lạnh bụng.
Lưu ý khi ăn dứa:
Người tỳ vị hư, dễ lạnh bụng không nên ăn dứa tươi vì dứa có tính hàn, dễ gây tiêu chảy, đau bụng.
Người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn dứa do chứa đường fructose có thể làm tăng đường huyết.

Không ăn khi đói, đặc biệt với người có dạ dày yếu, vì dứa có vị chua dễ kích thích tiết dịch vị, gây đau hoặc khó chịu.
Tránh ăn dứa xanh hoặc chưa chín, vì có thể gây ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy – đặc biệt nếu ăn sống.
Với người dễ bị ngứa miệng khi ăn dứa, nên ngâm dứa trong nước muối loãng vài phút trước khi ăn để giảm kích ứng.