Trò chơi cù lét, cũng như những cử chỉ âu yếm, vuốt ve, ôm ấp, là một sợi dây vô hình gắn kết mẹ và con hay bố và con. Chẳng thể phủ nhận rằng trò chơi này giúp mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên gần gũi hơn, mang đến tiếng cười giòn tan cho cả nhà. Tuy khoa học chưa công bố những nghiên cứu liệu cù lét có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hay không, nhưng nhiều chuyên gia khuyên rằng, bố mẹ nên hạn chế chơi cù lét với con, hoặc ít nhất là phải biết điểm dừng.
Bạn biết đấy, bố mẹ "cù lét yêu" và trẻ cười vang thích thú sẽ không có nghĩa rằng chúng đồng ý, vui vẻ khi bạn đè chúng ra, giữ tay chân rồi cù lét chúng. Khởi đầu, con có thể cười vì nhột nhưng sau đó những gì con cảm nhận được sẽ gần như là một sự tra tấn. Thậm chí, nhiều bố mẹ mải cù lét con mà không để ý đến gương mặt, tâm trạng con, khiến chúng khóc nức nở mới ngưng lại.
Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, có nhiều hình thức để tăng sự liên kết giữa mẹ và con mà không phải là cù lét. Bạn có thể đùa vui, vật lộn với chúng (đối với những trẻ lớn) nhưng tuyệt đối không được dùng ngón tay để cù lét. Nếu bạn nói đó chỉ một hành động nhẹ nhưng nó rất dễ đi quá ranh giới và gây tổn thương tới con.
Mỗi đứa trẻ có một phản ứng khác nhau khi bị cù nhưng làm sao bạn có thể biết được đâu là giới hạn để không làm tổn thương chúng. Chính vì thế, cù lét đối với trẻ nhỏ hoàn toàn không được khuyến khích.
Theo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, hành động này của bố mẹ chẳng khác nào là một sự tra tấn với trẻ, và trẻ không cảm nhận được niềm vui, nụ cười tuy xuất hiện nhưng là do trẻ không thể kiểm soát. Và nghiêm trọng hơn, đó như một sự thống trị, lạm dụng. Có thể bố mẹ chưa biết nhưng vào Thế chiến thứ III, cù lét chính là một hình thức tra tấn của Phát xít Đức.
Lưu ý: Theo một số nghiên cứu có sự liên kết thân thể giữa trẻ và mẹ nếu như người mẹ cù lét con một cách nhẹ nhàng, yêu thương. Cũng có những báo cáo chỉ ra rằng hầu hết những đứa trẻ đều thích bố mẹ cù lét chúng nhưng các bé lại không nói được bao nhiêu là đủ và khi nào muốn dừng.
Tác giả: Ngọc Lê