Trong xã hội phong kiến cổ xưa ở Trung Quốc, các hoàng đế hầu hết đều chọn con trai cả hoặc người con được phong làm Thái tử thừa kế ngôi vị, điều hành đất nước. Vậy vì sao hoàng đế luôn để con trai cả kế vị?
Vì sao hoàng đế luôn để con trai cả kế vị?
Khi thoái vị, vua quyết định truyền ngôi cho người con trai cả theo truyền thống mặc dù có thể có những người con trai thứ thông minh, giỏi giang hơn nhiều. Chỉ có một vài trường hợp như con trai cả không có tư cách đạo đức, tư duy chậm, kém thông minh hoặc con trai cả đã qua đời thì hoàng đế mới truyền ngôi lại cho con thứ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp con thứ đoạt quyền của con cả, cướp ngôi không hề hiếm trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Ở thời phong kiến, dù con trai cả của hoàng đế là kẻ kém cỏi, không minh mẫn, bất tài, không giỏi việc trị quốc thì vẫn có khả năng lên ngôi. Chẳng hạn như trường hợp Tư Mã Trung (Tân Huệ Đế) - vị vua thứ hai của nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Tư Mã Trung vốn không được thông minh, có vấn đề về trí tuệ nhưng vẫn được vua cha nhường ngôi. Vương Phu Chi - một nhà tư tưởng chính trị vào cuối triều đại nhà Minh và đầu nhà Thanh từng nói: "Sự ngu dốt của Tân Huệ Đế không ai bì kịp, đất nước rơi cảnh diệt vong là điều dễ hiểu".
Ngoài ra còn có Chu Cao Sí (Minh Nhân Tông) - trưởng tử của Minh Thành Tổ Chu Đệ và Nhân Hiếu Văn hoàng hậu Từ thị. Dù bị khuyết tật ở chân, phải có người dìu khi đi lại nhưng vẫn lên ngôi thành công.
Trên thực tế, có hai lý do chính để hoàng đế tuân theo quy tắc chọn con trai cả làm người kế thừa ngôi vị.
Trước thời nhà Minh, việc tập trung quyền lực không nghiêm trọng lắm. Nó có thể hoạt động bình thường mà không cần sự ra quyết định của người cai trị. Vì vậy, mấu chốt của hệ thống này không phải là khả năng cai trị của người kế vị mà còn là sự ổn định của toàn hệ thống, có tiêu chuẩn thống nhất sẽ tránh được xung đột. Nói đơn giản, quy tắc lập trưởng tử làm người kế vị được các vị vua từ nhiều đời trước đã được lập ra nhằm duy trì một triều đại, tránh việc con trưởng con thứ vì tranh đoạt ngôi báu mà giết hại lẫn nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít việc con thứ giết con cả để chiếm ngôi như Lý Thế Dân (thời Đường), giết anh trai là thái tử Lý Kiến Thành để cướp ngôi báu.
Thứ hai, trưởng tử thường là do hoàng hậu sinh ra. Hoàng hậu phần lớn đều có gia thế, bối cảnh tốt, có chỗ dựa phía sau cho con trai trưởng lên ngôi. Việc này cũng giúp ích cho việc kiềm chế những cuộc tranh đấu trong nội bộ hoàng tộc, duy trì sự ổn định của một triều đại.
Tuy vậy, đến thời nhà Thanh, vấn đề truyền ngôi cho con trai trưởng không được coi trọng như các triều đại khác.
Càn Long truyền ngôi cho Vĩnh Diễm - con trai thứ 15
Vĩnh Diễm là con trai thứ 15 của vua Càn Long và Lệnh Ý Hoàng quý phi. Càn Long có tổng cộng 17 người con trai. Trong đó, Ngũ a ca Vĩnh Kỳ là người được ông sủng ái nhất. Chỉ tiếc rằng Ngũ a ca cùng với 7 huynh đệ khác qua đời khi còn rất trẻ.
Trong số các hoàng tử của Càn Long, Vĩnh Diễm là người bình thường, không có tài cán gì xuất chúng. Thậm chí, Vĩnh Diễm còn bị nói là người có “tư chất tầm thường”. Sau khi lên làm vua, Vĩnh Diễm đổi tên thành Ngung Diễm, niên hiệu là Gia Khánh. Hoàng đế Gia Khánh không hoang dâm, không mê muội, là một vị vua ôn hòa, hiền hậu, chuyên tâm cần chính, mộc mạc giản dị.
Mặc dù có rất nhiều cố gắng như xử tử Hòa Thân – một đại tham quan trong lịch sử Trung Quốc, thực hiện cuộc cải cách quy mô lớn để khôi phục lại triều Thanh sau một thời gian dài bị lũng đoạn bởi Hòa Thân, chống nạn buôn thuốc phiện ở Trung Hoa, nhưng tài trị quốc của hoàng đế Gia Khánh vẫn bị đánh giá là kém cỏi. Dưới thời ông trị vì, mâu thuẫn xã hội xảy ra gay gắt, nha phiến lưu nhập Trung Quốc, nạn tham nhũng không những không khởi sắc mà còn nghiêm trọng hơn, triều đình thối nát.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Vị phi tần được độc sủng, khiến hoàng đế phá vỡ hàng loạt quy tắc: Cuộc đời kết thúc trong bi kịch
-
Thời xưa, trạng nguyên dù tài giỏi đến mấy cũng rất khó trở thành phò mã? Vì sao?
-
Mỹ nhân một đời chồng vẫn được Hoàng đế sủng hạnh, trở thành Hoàng hậu cao quý
-
Vị hoàng đế hoang dâm, cướp vợ của cha, đột tử trong khi “mây mưa” vì quá đà
-
Vị vua nào ăn chơi nhất sử Việt, mở sòng bạc ngay tại hoàng cung?