Tiêm vắc-xin trễ ngày lại thay bằng loại khác, có giảm tác dụng không: Bác sĩ Khanh trả lời

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người có chung câu hỏi, nếu tiêm vắc xin trễ ngày lại thay bằng loại khác thì có mang lại hiệu quả bảo vệ hay không.

Trao đổi trên Người Lao Động, một bạn đọc có thắc mắc như sau:"Mẹ tôi tiêm vắc-xin Moderna mũi 1, mũi 2 hết vắc-xin nên 7 tuần sau mới được tiêm (trễ 3 tuần so với hướng dẫn của Bộ Y tế), lại hết Moderna nên phải tiêm Pfizer thay vào. Vậy tác dụng vắc-xin có giảm không, có cần tiêm mũi 3 sớm không?"

Liên quan tới câu hỏi này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) trả lời:

Theo hướng dẫn mới của Canada thì vắc-xin Moderna 2 mũi cách nhau 4 tháng vẫn được, không ảnh hưởng đến tác dụng. 4 tuần là mốc thời gian tối thiểu giữa 2 mũi chứ không phải 2 mũi phải cách nhau đúng 4 tuần. Tiêm trộn Moderna và Pfizer hay bất cứ hình thức tiêm trộn nào khác không làm ảnh hưởng đến tác dụng vắc-xin, các nước tiêm nhiều rồi, có một số người được tiêm trộn kháng thể lại mạnh hơn.

Một số quy tắc cần nhớ khi tiêm mũi 2 và tiêm trộn vắc xin

Theo hướng dẫn tại Công văn 6030/BYT-DP 2021 của Bộ Y tế thì những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý.

Không sử dụng vắc xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca.

Cụ thể:

- Mũi 1 AstraZeneca + Mũi 2 AstraZeneca hoặc Pfizer (nếu người tiêm đồng ý)

- Mũi 1 Sinopharm + Mũi 2 Sinopharm

- Mũi 1 Pfizer + Mũi 2 Pfizer

- Mũi 1 Moderna + Mũi 2 Moderna.

- Mũi 1 AstraZeneca + Mũi 2 không được phép sử dụng Moderna.

Tác giả: Thạch Thảo