Tình trạng nắng nóng cực độ trên thế giới
Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải đối mặt với những đợt nắng nóng cực đoan. Tuy nhiên, ở hầu hết các khu vực có người sinh sống, thời tiết thường không đạt đến mức "quá nóng để con người không thể sống sót".
Tại các vùng có khí hậu khô ráo, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, cơ thể chúng ta phần lớn có thể hạ nhiệt thông qua việc thoát nước dưới dạng mồ hôi. Cơ chế này giúp làm mát da và điều hòa nhiệt độ bên trong cơ thể.
Tuy nhiên, có những khu vực mà nhiệt độ và độ ẩm cao đến mức nguy hiểm, đặc biệt là những vùng sa mạc nóng ngay gần đại dương ấm áp. Trong điều kiện không khí ẩm, mồ hôi không thể bay hơi nhanh, làm giảm hiệu quả làm mát của cơ thể so với ở nơi khô ráo.
Tại Trung Đông, Pakistan và Ấn Độ, các đợt nắng nóng mùa hè thường kết hợp với không khí ẩm từ biển, tạo ra tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Hàng trăm triệu người sống trong những khu vực này, và phần lớn không có điều hòa không khí trong nhà.
Các nhà khoa học sử dụng "nhiệt kế bầu ướt" để đo lường chính xác mức độ nguy hiểm của nhiệt độ khi kết hợp với độ ẩm cao. Nhiệt kế bầu ướt là một loại nhiệt kế có vải ướt quấn quanh, hơi nước từ vải ướt sẽ làm giảm nhiệt độ. Nếu nhiệt độ bầu ướt vượt quá 35 độ C, cơ thể con người không thể thoát nhiệt đủ nhanh, và kéo dài trong tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.
Trong đợt nắng nóng nghiêm trọng vào năm 2023, nhiệt độ bầu ướt tại vùng hạ lưu thung lũng Mississippi rất cao, mặc dù chưa đến mức gây tử vong. Tại Delhi, Ấn Độ, vào tháng 5/2024, nhiệt độ ngoài trời đã có những ngày lên đến 49 độ C, nhiệt độ bầu ướt gần đạt mức này và đã có một số trường hợp tử vong do say nắng trong thời tiết nóng ẩm.
Nguyên nhân có phải do biến đổi khí hậu?
Khi con người đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, xăng trong các nhà máy điện và phương tiện giao thông, lượng carbon dioxide thải ra bầu khí quyển ngày càng nhiều. Loại khí này tuy vô hình nhưng có khả năng giữ nhiệt từ Mặt Trời, gây ra hiệu ứng nhà kính và góp phần vào tình trạng biến đổi khí hậu.
Mỗi lần chúng ta tiêu thụ than, dầu, xăng hoặc khí đốt, nhiệt độ Trái Đất lại tăng thêm một chút. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng, hiện tượng thời tiết nóng ẩm nguy hiểm sẽ xuất hiện tại nhiều khu vực hơn.
Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra thời tiết khắc nghiệt mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt khác. Nhiệt độ cao làm nước bốc hơi nhanh hơn, dẫn đến tình trạng mùa màng, rừng cây bị khô hạn, dễ cháy. Nguy cơ cháy rừng tại các vùng phía Tây nước Mỹ tăng gấp 6 lần mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C.
Ngoài ra, ấm lên toàn cầu còn làm băng tan và nước biển giãn nở, gây ngập lụt các vùng ven biển. Dự đoán, đến năm 2100, mực nước biển dâng cao có thể khiến 2 tỷ người mất chỗ ở.
Những tác động này đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Theo một ước tính, nếu tiếp tục đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, thu nhập toàn cầu có thể giảm khoảng 25% vào cuối thế kỷ này.
Chừng nào chúng ta còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và thời tiết sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Trong 15 năm qua, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc phát triển năng lượng sạch với chi phí hợp lý. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng thuận về việc cần ngăn chặn biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Hé lộ bí mật: Cơn mưa đầu tiên trên Trái Đất xuất hiện khi nào?
-
Điều khủng khiếp gì đã xảy ra vào cái ngày thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái đất khiến khủng long bị tuyệt diệt?
-
Bí ẩn đại dương: Nơi sinh sống của những sinh vật kỳ lạ nhất Trái Đất
-
Nước trên Trái Đất từ đâu đến? Khoa học hé lộ những bí mật
-
24 khí tiết trong năm, chúng có ý nghĩa gì và bạn đã biết rõ chưa?