Trẻ ngủ với ông bà hay với bố mẹ: Có khác biệt về thể chất lẫn tính cách

( PHUNUTODAY ) - Có thể bạn cho rằng việc ngủ với ông bà hay bố mẹ không quan trọng, miễn sao trẻ ngoan là được. Tuy nhiên, sự lựa chọn này có thể ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của bé mà bạn không hề biết.

Người Việt thường có câu: "Bố mẹ chăm con không bằng ông bà chăm cháu". Ông bà thường quý cháu lại có nhiều thời gian rảnh rỗi nên có thể quan tâm đến cháu nhiều hơn. Điều này cũng giúp các cặp vợ chồng an tâm tập trung vào công việc.

Một số đứa trẻ ban ngày chơi với ông bà, đêm đến cũng được cho ngủ cùng ông bà. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ ngủ với ông bà sẽ có tính cách, con người khác hẳn với đứa trẻ ngủ cùng bố mẹ.

Khả năng tự chăm sóc bản thân kém hơn

Đứa trẻ ngủ với ông bà thường được chiều chuộng nhiều hơn. Ông bà thường có xu hướng làm hết mọi thứ cho cháu như gọi dậy vào mỗi sáng, dọn dẹp giường ngủ, chuẩn bị quần áo... Lâu dần, trẻ sẽ sinh ra ỷ lại, khả năng tự chăm sóc bản thân khi lớn lên sẽ kém hơn.

Trong khi đó, khi ngủ với bố mẹ, trẻ sẽ không được chăm sóc kỹ càng như vậy.

Trẻ ngủ một mình lại càng độc lập hơn, có thể tự đặt báo thức và dậy vào buổi sáng, tự mặc quần áo và làm vệ sinh cá nhân.

Phát triển kiến thức và tính cách kém hơn

Khoảng thời gian trước khi ngủ là thời điểm lý tưởng để bố mẹ và con cái kết nối với nhau. Lúc này, bố mẹ có thể đọc sách hoặc trò chuyện, lắng nghe con tâm sự. Những hoạt động này không chỉ thúc đẩy mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ mà còn giúp trẻ phát triển kiến thức, hình thành tính cách vui vẻ, lạc quan.

Trong khi đó, người lớn tuổi thường không có đủ sức lực để trò chuyện với trẻ. Họ có xu hướng dỗ trẻ ngủ càng nhanh càng tốt. Ngoài ra, những câu chuyện mà họ kể có thể không đủ phong phú, không đáp ứng được sự tò mò và muốn tìm hiểu, khám phá thế giới của trẻ.

Một số cách chăm sóc trẻ không khoa học

Người lớn tuổi sẽ có những thói quen nuôi dậy, dỗ dành trẻ kiểu cũ. Đôi khi những cách này không còn phù hợp với thời buổi hiện nay, thậm chí một số thứ còn được coi là không qua học như rung lắc trẻ liên túc, dọa trẻ bằng những câu chuyện kinh khủng để trẻ đi ngủ, bắt trẻ thức dậy nửa đêm để đi vệ sinh...

Một số ông bà thường chiều theo ý cháu, cho cháu ăn vặt ngay trước khi ngủ, không nhắc cháu đánh răng... Lâu dần, những điều này sẽ hình thành các thói quen không tốt với sức khỏe trẻ.

Trẻ cảm thấy không an toàn

Đứa trẻ nào cũng có tâm lý muốn gần bố mẹ, được bố mẹ che chở, yêu thương. Tuy nhiên, khi phụ huynh quá bận rộn và giao phó con cho ông bà, đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy mình không được bố mẹ quan tâm, đem lại cảm giác không an toàn. Chúng có thể so sánh bản thân mình với bạn bè xung quanh và cảm thấy tự ti, lo lắng. Điều này không có lợi cho sự phát triển của con.

Dù thế nào, cha mẹ cũng nên dành thời gian để đồng hành với con.

Tác giả: Thanh Huyền