Trợ cấp hưu trí xã hội bao gồm những chế độ nào?

( PHUNUTODAY ) - Trợ cấp hưu trí là một trong những chế độ nhân văn của Nhà nước với những người già tuổi đã cao mà không có lương hưu. Vậy theo đề xuất mới, trợ cấp hưu trí xã hội bao gồm những chế độ nào?

Một trong những chế độ nhân văn của Nhà nước với những người già tuổi đã cao mà không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng khác. Theo đề xuất mới, trợ cấp hưu trí xã hội bao gồm những chế độ nào?

Những chế độ trợ cấp hưu trí theo đề xuất mới

Căn cứ nội dung tại Điều 26 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, người hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội không những được nhận tiền trợ cấp hằng tháng mà còn có một số quyền lợi quan trọng khác. Cụ thể:

+ Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng

Đối tượng quy định tại Điều 26 của Luật này được hưởng mức trợ cấp bằng 500.000 đồng/người/tháng.

+ Bảo hiểm y tế

Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

+ Trợ cấp mai táng

Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng với mức trợ cấp mai táng bằng 10.000.000 đồng.

+ Chính phủ quy định việc điều chỉnh mức trợ cấp tại Khoản 1 và Điểm b Khoản 3 Điều này trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước.

Độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mới nhất năm 2024

Theo Nghị quyết 114/NQ-CP ngày 28/7/2023 trong phiên họp Chính phủ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất quy định: giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Vậy, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mới nhất năm 2024 là đủ 75 tuổi trở lên.

Điều kiện để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo luật mới bao gồm:

- Đủ 75 tuổi trở lên.

- Không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác.

Theo báo cáo trình chính phủ, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng chính sách trợ cấp và bảo hiểm y tế.

Có thể đánh giá, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi là chính sách rất nhân văn của Nhà nước và Chính phủ, là điểm tựa cho người già không có thu nhập, nhất là người cao tuổi vùng nông thôn, người nghèo, giúp họ giảm bớt gánh nặng cuộc sống. Bên cạnh đó, việc tăng phúc lợi xã hội cũng là xu thế tất yếu, chứng tỏ đất nước đó đang có bước phát triển văn minh, tiến bộ hơn.

Chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trở cấp hưu trí xã hội

Đối tượng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Thời gian hưởng, mức trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

- Mức trợ cấp hằng tháng được tính bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội, tức 500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp tính mức trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội cho khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà vẫn chưa hết tổng số tiền tính thời gian đóng, căn cứ tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thì sẽ tính để người lao động được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức cao hơn.

- Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng mà chết thì thân nhân của người lao động được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa được nhận và được hưởng trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 90, điểm a khoản 1 Điều 115 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

- Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

- Hồ sơ hưởng trợ cấp hằng tháng bao gồm:

+ Sổ bảo hiểm xã hội;

+ Đơn đề nghị hưởng chế độ.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tác giả: Vũ Thêm