Trong mâm cỗ cúng, gà nên để nguyên con hay chặt miếng xếp đĩa như các món khác? Nhiều người chưa biết điều này

( PHUNUTODAY ) - Gà là cúng phẩm quen thuộc trong ngày lễ Tết và mâm cỗ cúng nhưng khi nào nên để nguyên con khi nào chặt miếng?

Trong văn hóa Việt thì gà cúng là một cúng phẩm đặc trưng phổ biến và thường gặp nhất. Đặc biệt trong các dịp quan trọng thì gà cúng không thể thiếu trên ban thờ. Tuy nhiên khi thì chúng ta thấy gà để nguyên con đặt trên bát đĩa hoặc đặt trên mâm xôi kèm lòng tiết, khi thì thấy gà chặt miếng bày như mâm cỗ ăn. Vậy như nào mới đúng?

Gà cúng là cúng phẩm quan trọng vì theo văn hóa dân gian gà là biểu tượng gọi thần mặt trời, kết nối với thần linh. Gà cất tiếng gáy nên mặt trời thức giấc. Tiếng gáy gà trống kết nối với thần linh giúp gia chủ gửi lời nguyện tới gia tiền thần phật, mong chứng giám và ban phước lành.

Thế nên gà cúng thường là gà trống để có tiếng gáy linh nghiệm. Gà trống có mào đẹp, dáng đẹp oai dũng nên khi đặt vào mâm cúng sẽ đẹp hơn.

Gà cúng để nguyên con hay chặt miếng?

Gà cúng để nguyên con để thẩm mỹ cao và để thể hiện hình dáng gà cất tiếng gáy. Hơn nữa gà để nguyên con thể hiện sự vẹn nguyên. Đặc biệt khi đi mua gà về thắp hương nếu họ đã chặt miếng sẽ không còn nghiêm cẩn thậm chí còn không biết gà đó có đủ con hay có phối trộn từ nhiều con không. Còn khi đặt lên ban thờ thì gà nguyên con trông sẽ oai dũng và nghiêm trang, dáng gà nguyên con y như dáng gà đang gáy gọi mặt trời và thần linh. Điều đó đảm bảo về hình thức cúng.

Thế nên khi bày mâm cúng ngoài trời đêm giao thừa hay khi cúng tạ thần linh, khi mâm cúng chỉ có xôi và gà thì nên để gà nguyên con.

Nhưng khi xem thịt gà là một món ăn trong mâm cỗ thì nên chặt miếng để thể hiện sự bày cỗ chu đáo. Thông thường khi cúng người Việt thường chọn mâm 4 đĩa 4 bát hoặc 6 đĩa 6 bát, 8 đĩa 8 bát với các món ăn ngon và truyền thống. Nếu tính gà là một đía trong số các đĩa thức ăn đó thì gà có thể chặt ra. Lúc này đĩa thịt gà mang tính chất là một đĩa thức ăn để mời gia tiên và thần linh. Khi đã mang ý nghĩa là một đĩa thức ăn thì nên chặt ra bày biện đẹp mắt và thể hiện đúng ý nghĩa của một món ăn, tương tự các bát đĩa khác trong mâm cỗ (thường sẽ có thêm đĩa giò, đĩa chả, đĩa nem, đĩa bánh, bát canh măng miến, bát canh bóng bì, bát thịt đông, bát canh nấm....)

Còn khi cúng gà với ý nghĩa vật cúng kết nối thần linh, gọi mặt trời như trong mâm cỗ ngoài giao thừa, hoặc khi cúng tuần rằm nhưng không coi là một đĩa trong mâm cúng thì nên đặt gà nguyên con để trang trọng và đẹp mắt hơn.

Gà cúng khi để nguyên con thì thường chọn gà trống trông sẽ oai dũng và đẹp hơn còn khi chọn làm đĩa trong mâm cỗ thì nên chọn gà mái vì gà mái ăn thịt mềm ngọt hơn.

Lưu ý khi chọn gà dâng cúng

Gà dâng cúng nên chọn là gà trống tơ trống thiến để đảm bảo sự thanh sạch. Đặc biệt trong lễ cúng giao thừa hoặc khai trương tuần rằm quan trọng thì nên chọn gà trống. Còn những tuần rằm bình thường hay dịp cúng cầu con, cúng cầu mùa màng, cúng cầu gia đình hạnh phúc an lành thì có thể chọn gà mái nhưng nên là gà mái đẻ 1-2 lứa có trứng tránh gà già hoặc gà quá non

Khi dâng cúng gà cần chú ý chọn những con gà khỏe mạnh không ốm bệnh. Gà cúng nên giữ lại cả bộ lòng mề tiết luộc cùng. 

Khi luộc gà cúng nên chú ý cách luộc:thả vào nước sôi rồi hạ lửa để liu riu tránh cho gà bị rách da. Nếu muốn đẹp thì buộc gà hình cánh tiên trông thẩm mỹ hơn.

*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm

Tác giả: An Nhiên