Trong nhà có 2 vị trí càng lộn xộn, trẻ càng có tiềm năng phát triển, tương lai xán lạn

( PHUNUTODAY ) - Đôi khi nhà hơi lộn xộn một chút lại có ích cho sự phát triển của con.

Trẻ vốn thích khám phá và sáng tạo nên đôi khi bé sẽ tạo ra một mớ hỗn độn khiến các mẹ bực mình. Tuy nhiên, trong nhà có 2 vị trí hơi lộn xộn một chút lại tốt cho sự phát triển của bé, mẹ đừng vội mắng con nhé.

Phòng khách lộn xộn kích thích sự sáng tạo của trẻ

Phòng khách bừa bộn sẽ khiến nhiều mẹ phát cáu vì mình cứ dọn gọn gàng thì con lại bày bừa. Tuy nhiên, mẹ đừng quên rằng vận động là bản chất của trẻ. Chỉ khi vận động, bé mới có thể khám phá môi trường xung quanh và nhận biết thế giới, sáng tạo ra một số cách chơi mới.

Quá trình này sẽ giúp trẻ phát triển trí não cũng như thúc đẩy quá trình học hỏi và khám phá của trẻ.

Nếu phòng khách lúc nào cũng ngăn nắp, trong nhà không có thừa thứ gì, trẻ cứ cầm đồ chơi lên là bị mẹ mắng phải gọn gàng thì làm sao có thể khám phá thế giới, tăng cường tư duy sáng tạo.

Trong môi trường gò bó như vậy, trẻ sẽ thấy nhàm chán và không muốn chơi gì.

Tất nhiên, phòng khách không phải lúc nào cũng bừa bộn. Cha mẹ có thể tạo cho con một góc vui chơi nhất định trong phòng khách, dặn con về những thứ không được nghịch và rèn luyện cho con thói quen dọn dẹp gọn gàng những món đồ đã chơi xong.

Bàn học lộn xộn mang lại nhiều cảm hứng hơn

Bàn học, bàn làm việc bừa bộn không có nghĩa chủ nhân của chiếc bàn là người lười biếng. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, những người có bàn làm việc lộn xộn thường có khả năng sáng tạo và thích thử nghiệm những thứ mới. Những người như vậy có xu hướng đổi mới bản thân và cách suy nghĩ nhiều hơn.

Người ngoài nhìn có thể thấy lộn xộn nhưng đối với chủ nhân chiếc bàn, mỗi đồ vật đang nằm ở đúng vị trí của nó và có biết cách bố trí sao cho thuận tiện trong việc sử dụng.

Tất nhiên, cha mẹ không nên để con luôn sống trong cảnh bừa bộn. Hãy tập cho con những thói quen dọn dẹp đồ chơi, đồ học tập sau khi sử dụng. Ngăn nắp gòn gàng là tốt nhưng cha mẹ không nên tạo áp lực cho con bằng những nhiệm vụ quá lớn như dọn dẹp phòng, dù đó là phòng của con. Thay vì đưa ra nhiệm vụ chung chung như vậy, cha mẹ có thể đề nghị con thực hiện từng nhiệm vụ nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, dọn dẹp chăn gối. Từng việc nhỏ ghép lại sẽ thành công việc lớn, giúp trẻ dần thích nghi với công việc mà không cảm thấy quá sức.

Tác giả: Thanh Huyền