Căn cước công dân là gì?
Căn cước công dân chính là một giấy tờ tùy thân được Bộ Công an Việt Nam cấp cho những công dân Việt Nam. CCCD là một giấy tờ vô cùng quan trọng với mỗi người đồng thời nó tích hợp rất nhiều giấy tờ khác vào đó. Chính vì vậy, tuyệt đối không nên cho người khác mượn và để lộ thông tin trên CCCD của mình kẻo dễ bị kẻ gian lợi dụng gây ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn. Theo quy định mới được thông qua thì từ ngày 1/7/2024 Căn cước công dân sẽ có những sự thay đổi dưới đây.
1. Tên thẻ Căn cước công dân đổi thành Căn cước
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân 2014 từ ngày 01/7/2024.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Lê Tấn Tới, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Do thay đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành luật Căn cước, để tương thích, thẻ Căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ Căn cước, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" trên thẻ đổi thành "CĂN CƯỚC" theo Điều 18.
2. Chủ thẻ có thể là người dưới 14 tuổi
Tại Luật Căn cước công dân 2014 quy định, chỉ người từ đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ Căn cước công dân.
Tuy nhiên theo khoản 3 Điều 19 Luật Căn cước 2023, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.
Việc cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi được cho là phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay trẻ em được cấp hộ chiếu, thị thực) và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu…
3. Quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh
Thẻ Căn cước công dân hiện nay có mục ghi thông tin quê quán lấy theo quê quán của cha/mẹ.
Tới đây theo Luật Căn cước, thông tin về quê quán trên thẻ Căn cước sẽ bị lược bỏ và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Điều 9.
Mục thông tin quê quán được thay bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh theo Điều 18.
4. Nơi thường trú đổi thành nơi cư trú
Trên thẻ Căn cước mới sẽ không còn thông tin nơi thường trú, thay vào đó là thông tin nơi cư trú theo Điều 18.
Theo Luật Cư trú, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại
Đối với mẫu thẻ Căn cước công dân cũ, công dân bắt buộc phải có thông tin về nơi đăng ký thường trú mới được cấp thẻ Căn cước công dân. Quy định mới giúp cho công dân không có đủ điều kiện đăng ký thường trú, chỉ đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ Căn cước.
5. Lược bỏ dấu vân tay ngón trỏ
Theo Điều 18 Luật Căn cước, thẻ Căn cước tới đây sẽ lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng.
Bộ Công an giải thích, những thông tin về vân tay, đặc điểm nhận dạng không được thể hiện trên bề mặt thẻ Căn cước, tuy nhiên vẫn sẽ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ.
Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ Căn cước là để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ Căn cước.
Tác giả: Min Min
-
Cách tắt trạng thái 'đã xem' tin nhắn trên Facebook Messenger
-
Lương bao nhiêu phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất, mức đóng cụ thể bao nhiêu
-
Cảnh báo hình thức lừa đảo mới nhắm vào trẻ em, cha mẹ cần lưu tâm
-
3 trường hợp thẻ BHYT không có giá trị sử dụng, người dân biết kẻo thiệt thòi
-
Người lao động được nhận những khoản tiền nào vào Tết Dương lịch 2024? Không biết sẽ bị thiệt