Tưởng con đỡ bệnh thủy đậu, gia đình xin ra viện, ai ngờ biến chứng lở loét toàn thân

( PHUNUTODAY ) - Bệnh thuỷ đậu lưu hành quanh năm trên phạm vi cả nước, nhưng đây là thời điểm bệnh có dấu hiệu gia tăng. Tại các bệnh viện, số ca mắc thuỷ đậu có dấu hiệu tăng lên. Bệnh nhân thuỷ đậu cũng xuất hiện với nhiều ca biến chứng nguy hiểm.

Tưởng con đỡ bệnh thủy đậu, gia đình xin ra viện, ai ngờ biến chứng lở loét toàn thân

Bệnh thuỷ đậu lưu hành quanh năm trên phạm vi cả nước, nhưng đây là thời điểm bệnh có dấu hiệu gia tăng. Tại các bệnh viện, số ca mắc thuỷ đậu có dấu hiệu tăng lên. Bệnh nhân thuỷ đậu cũng xuất hiện với nhiều ca biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi T.H.M. (12 tuổi, ở Bắc Quang, Hà Giang) bị biến chứng nặng do mắc bệnh thủy đậu.

Theo gia đình bệnh nhân M., trước thời điểm nhập viện cháu M. bị thủy đậu và được đưa vào bệnh viện tuyến huyện ở địa phương điều trị. Sau 7 ngày nằm viện, thấy cháu M. thuyên giảm bệnh, hơn nữa gia đình ít người nên đã xin cho cháu M. về nhà.

Sau khi về nhà, cháu M. sốt cao li bì, có những lúc sốt trên 40 độ, không chỉ vậy cháu M. còn ăn uống kém, kèm theo mụn nước, chảy nhiều mủ và máu. Thấy M. bệnh ngày càng nặng, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám và điều trị vào ngày 9/6.

Sau khi thăm khám, cháu M. được chuyển vào khoa Nội – Nhi – Đông y điều trị trong tình trạng đau bụng âm ỉ, ngực đau từng cơn, da toàn thân xuất hiện nhiều mụn mủ đa kích thước chảy dịch lẫn máu, đau và ngứa rất nhiều.

Qua các cận lâm sàng các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi bị thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng. BS Phùng Thị Xuân – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, khi mới nhập viện cháu M. rất nặng, ngay sau các bác sĩ đã hội chẩn toàn khoa và thống nhất điều trị cho bệnh nhi bằng phác đồ kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn huyết và thủy đậu bội nhiễm.

Đến nay, sau ba ngày điều trị tích cực hiện tại bệnh nhi đã hết sốt và sức khỏe tiến triển tốt. Theo BS Xuân, trường hợp của cháu M. diễn biến phức tạp là do điều trị không dứt điểm, chính vì vậy các bác sĩ cảnh báo, khi trẻ có dấu hiệu cần đến bệnh viện điều trị ngay và thực hiện theo đúng lời khuyên và phác đồ điều trị của bác sỹ.

Trẻ từ 1-12 tuổi chỉ cần tiêm 1 liều vaccine duy nhất để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để cho hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. 

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân

Tác giả: Thu