Châu Âu cũng trải qua những ngày nắng nóng, có khi lên tới ngưỡng 40 độ C. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, nhất là người cao tuổi. Mọi người phải tìm đủ mọi cách để hạ nhiệt như sử dụng quạt cầm tay, khăn ướt, đá lạnh hoặc dội nước trực tiếp lên cơ thể để làm mát.
Mặc dù thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như vậy nhưng bạn sẽ rất khó tìm được những nơi có điều hòa nhiệt độ. Không nhiều gia đình, cửa hàng, nhà hàng... ở châu Âu sử dụng thiết bị này.
Nhiều người châu Âu cho rằng sử dụng điều hòa nhiệt độ gây lãng phí năng lượng, không tốt cho sức khỏe. Nó tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong nhà và ngoài trời. Ngoài ra, tiếng ồn của thiết bị phát ra trong lúc hoạt động cũng gây khó chịu.
Theo một ước tính, ở châu Âu, chỉ 20% căn hộ được trang bị điều hòa nhiệt độ. Trong khi đó, con số này ở Mỹ lên tới 90%.
Một lý do khác được đưa ra để giải thích nguyên nhân người dân châu Âu ít khi sử dụng điều hòa nhiệt độ là do khu vực này trong hàng chục năm qua hiếm khi trải qua các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Đây là điểm khác biệt về mặt thời tiết giữa châu Âu và Mỹ làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ của hai khu vực này.
Mùa hè ở châu Âu thường chỉ được gọi là "ấm" vì nhiệt độ không đạt mức cao, không nắng nóng như một số nơi ở châu Á hay ở Nam Mỹ.
Ngay cả trong những ngày nắng nóng nhất, thời tiết ở Rome (Italy) cũng không nóng ẩm như một số thành phố khác như Tokyo, Seoul, Washington. Hoặc ở Anh, do đặc điểm có số ngày mưa nhiều hơn ngày nắng nên các ngôi nhà ở đây cũng được tập trung xây dựng theo kiến trúc có khả năng giữ ấm hơn là làm mát.
Trong một số tòa nhà cũ, đường ống nước nóng sẽ chạy qua hành lang không làm cách nhiệt. Nhiệt độ từ đường nước nóng tỏa ra giúp làm ấm căn hộ. Việc này có ích trong những ngày mùa đông. Tuy nhiên, nó cũng phát sinh rắc rối trong những ngày nắng nóng.
Một lý do khác khiến việc lắp điều hòa ở châu Âu ít phổ biến là do chi phí. Ví dụ như ở Pháp, do đặc trưng kiến trúc của các tòa nhà khiến việc lắp đặt điều hòa trở nên tốn kém. Chi phí để lắp một hệ thống làm mát cố định và tiền điện chi trả cho việc sử dụng thiết bị này thường rất cao. Trong khi đó, thời tiết ở nhiều khu vực trong nước Pháp không quá nóng để người dân cảm thấy việc lắp điều hòa là thật sự cần thiết.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt điều hòa ở một số nơi cũng có quy trình không đơn giản. Chẳng hạn như ở Anh, các căn hộ thiên về giữ ấm vẫn có thể lắp đặt điều hòa. Tuy nhiên, nếu căn hộ nằm trong khu vực cần bảo tồn hoặc nhà chung cư, chủ nhà cần được chính quyền địa phương cấp phép mới được lắp điều hòa. Việc cấp phép hay không sẽ giới chức địa phương được cân nhắc. Giới chức sẽ xem xét tùy vào vị trí của căn hộ, kích thước của thiết bị, nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn trước khi cấp phép lắp đặt. Sau khi lắp đặt thiết bị, giới chức cũng thường xuyên tiến hành các cuộc kiểm tra về mức độ tiết kiệm năng lượng, khả năng vận hành của điều hòa và khuyến cáo của nhà chức trách. Trong các cuộc kiểm tra này, nếu không xuất trình được các giấy tờ cần thiết khi có yêu cầu, chủ nhà có thể bị phạt số tiền lên tới 300 bảng (375 USD).
Trong hai thập kỷ qua, châu Âu đã trải qua những ngày hè ngày càng nắng nóng do tác động của biến đổi khí hậu. Các đợt nắng nóng diễn ra gay gắt hơn với tần suất thường xuyên hơn, nhiệt độ ngày càng tăng lên khiến người dân châu Âu có suy nghĩ "cởi mở" hơn về việc trang bị điều hòa cho gia đình, các nhà hàng...
Nhu cầu sử dụng điều hòa tăng lên cũng gây ra một vấn đề đáng lo ngại. Đó chính là sức chịu đựng của mạng lưới điện và nguồn cung cấp năng lượng của các quốc gia châu Âu.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Từ 1/8/2024: Đi xe máy không gương bị CSGT phạt nặng gấp 3-4 lần đúng không?
-
5 ngành học có mức lương cao hiện nay: Ai đang làm thật đáng chúc mừng
-
Bật mở lắp quan tài - bất ngờ với kho báu trong mộ của Từ Hy Thái Hậu
-
Trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp bị phạt lên tới 500 triệu: Ai cũng nên biết kẻo mất tiền
-
Vì sao đường cao tốc không làm thẳng tắp mà luôn có khúc cua?