Vì sao cổ nhân dạy: Giàu không thêm trai, nghèo chẳng thêm gái?

( PHUNUTODAY ) - Lời dạy của cổ nhân liệu có còn còn đúng với thời hiện đại?

Theo quan niệm truyền thống Á Đông: "Giàu không sinh thêm trai, nghèo chẳng thêm gái". Tại sao người xưa lại nói vậy?

Giàu không thêm trai

Một phần nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của tư tưởng này là do trước đây xã hội nông nghiệp phát triển, lực lượng lao động chính là đàn ông - người có thể lực tốt, có thể tạo ra của cải chính cho gia đình. Tuy nhiên, những gia đình giàu có lại không thiếu tiền của, không thiếu nhân lực. Họ chỉ cần một hai người con trai là đủ. Ngoài ra, hôm nhân thời xưa chủ yếu theo chế độ đa thê (một chồng nhiều vợ), nhất là các gia đình giàu, việc tam thê tứ thiếp là chuyện bình thường.

Nếu mỗi người vợ sinh một con trai thì không chỉ có vấn đề phân chia tài sản mà ngay cả việc đãi tiệc cũng là một khoản chi lớn. Tranh chấp tiền bạc là vấn đề khiến con người hao tâm tổn trí, có thể khiến gia đình lục đục nội bộ.

Vì vậy, để tránh xung đột gia đình, cổ nhân mới dạy rằng nhà giàu không nên sinh quá nhiều con trai.

Nghèo chẳng thêm con gái

Thời xưa, cuộc sống của con gái thường gặp nhiều khó khăn hạn chế. Ngoài ra, phụ nữ còn phải chịu quan điểm "tam tòng, tứ đức", "chồng con là tất cả"... Đặt trong bối cảnh xã hội nông nghiệp, cần lực lượng lao động chân tay lớn, phụ nữ lại được đánh giá là phái yếu, không thể giúp được gì nhiều. Người xưa cho rằng sinh con gái là thêm miệng ăn chứ không thêm tay chân để làm việc. Nhà nghèo không sinh thêm con gái là vì lý do đó.

Ngoài ra, thời xưa con gái không có gia cảnh tốt, không có học thức sẽ bị nhà chồng coi thường. Cộng với việc nhà nghèo, không có của hồi môn thì càng không được nhà chồng coi trọng.

Tuy nhiên, câu nói này áp dung với hoàn cảnh của xã hội hiện đại sẽ không còn đúng nữa. Ngày nay, các cặp vợ chồng có xu hướng sinh ít con. Nhiều người không đặt nặng vấn đề giới tính của con. Quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con thành người.

Tác giả: Thanh Huyền