Vị trí đặt hũ gạo, muối, nước trên bàn thờ Tết để tăng vượng khí, năm mới nhà có lộc lớn

( PHUNUTODAY ) - Theo quan niệm phong thủy, hũ gạo, muối, nước có ý nghĩa quan trọng. Đặt chúng ở vị trí hợp lý trên bàn thờ thì gia chủ có thể nhận được nhiều may mắn.

Theo quan niệm phong thủy, mỗi món đồ trên bàn thờ đều có một vai trò, vị trí nhất định. Gia chủ nắm được những quy tắc bài trí đồ thờ cúng sẽ giúp không gian này trang trọng, đủ đầy, thu hút may mắn cho gia đình.

Một trong những vật dụng không thể thiếu trên bàn thờ chính là hũ gạo, muối, nước. Đây là những thứ gắn liền với cuộc sống thường ngày của mỗi người. Chúng cũng được coi là vật phẩm chứa đựng tinh hoa của cuộc sống, có sự hòa hợp âm dương, có thể gửi gắm các ước muốn về cuộc sống đủ đầy của con người.

Ý nghĩa của hũ gạo, muối, nước

- Hũ muối

Người xưa có quan niệm: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Muối trong phong thủy có ý nghĩa đặc biệt. Nó giúp hoa giải sát khí, xua đuổi xui rủi, làm sạch. Vì những ý nghĩa này, vào đầu năm, nhất là khi xuất hành sau Giao thừa, nhiều người sẽ chọn mua một túi muối nhỏ để mang về nhà cầu bình an, hạnh phúc, thịnh vượng cho cả năm.

Đặt hũ muối mới trên bàn thờ ngày Tết thể hiện mong ước một năm ấm no, được che chở, bình an.

- Hũ gạo

Cây lúa gắn liền với đời sống của người Việt. Hạt gạo là biểu tượng cho một cuộc sống ấm no, đủ đầy. Người ta cũng thường ví hạt gạo là hạt ngọc trời, là phúc phần của con người. Hạt gạo còn là biểu tượng cho cuộc sống sung túc. Đặt hũ gạo trên bàn thờ là gửi gắm mong ước có một cuộc sống không lo thiếu thốn, có của ăn của để, làm ăn thuận lợi, thành công.

- Hũ nước

Nước được coi là ngọn nguồn của sự sống. Vạn vật không thể sống thiếu nước. Đặt hũ nước trên bàn thờ là mong muốn có sức mạnh tinh thần, có sức khỏe, có sự sáng tạo vô biên, tài lộc nhiều như nước.

Vị trí đặt hũ gạo, muối, nước trên bàn thờ

Cách đặt hũ gạo, muối nước trên bàn thờ rất đơn giản. Gia chủ có thể để ba hũ này thẳng hàng nhau, đặt phía trước bát hương, phía sau mâm quả, hũ nước sẽ nằm ở giữa. Ngày thường, mâm quả được thay thế bằng bộ kỷ ngai 3 chén hoặc 5 chén (bộ chén nước) thì hũ gạo, muố, nước đặt sau bộ này.

Tùy vào kích thước của bàn thờ mà gia chủ sẽ lựa chọn các hũ đựng có kích thước tương ứng.

Trường hợp bàn thờ có diện tích nhỏ hẹp, không thể đặt đủ cả ba hũ thì gia chủ có thể chọn để hũ gạo và hũ muối, bỏ hũ nước vì bàn thờ cũng có bộ kỷ ngai đựng nước.

Bàn thờ Phật chỉ cần đặt một hũ nước là đủ. Bạn thờ Thần Tài có thể đặt cả ba hũ, xếp thành hình tam giác, để sau bát hương, nằm giữa Thần Tài và ông Địa.

Lưu ý khi đặt hũ gạo, muối, nước trên bàn thờ

Hũ gạo, muối, nước có thể làm từ gốm, men lam rạn hoặc đồng... Như đã nói ở trên, kích thước hũ gạo, muối, nước cần phải phù hợp với kích thước của bàn thờ để tạo sự cân bằng.

Chọn gạo sạch, mới, không mối mọt để dâng cúng. Muối cũng phải là loại sạch, khô ráo. Nước cũng là nước sạch.

Khoảng 2 tuần có thể thay gạo, muối, nước một lần. Khi thay, có thể dùng gạo, muố, nước cũ để sử dụng, bỏ nguyên liệu mới vào hũ.

Không cần phải đổ hết gạo, muối, nước trong hũ. Chỉ cần đổ một nửa hoặc 2/3 sau đó cho nguyên liệu mới vào trộn đều là được.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Thanh Huyền