Vụ 80 bé trai bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu: Chủ phòng khám cũng chẳng biết nguyên nhân lây bệnh

( PHUNUTODAY ) - Theo bà Hiền, trong quá trình khám và điều trị, bà chỉ sử dụng găng tay y tế một lần và không dùng đến dụng cụ y tế. Bởi vậy, khi có thông tin nhiều bé trai bị lây sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại cơ sở của mình, bà cũng không biết trẻ mắc bệnh từ đâu.

Liên quan đến sự việc nhiều bé trai ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại phòng khám "chui" ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, nhiều chuyên gia cho rằng có thể dụng cụ y tế không được vô trùng mới xảy ra tình trạng trên.

Về vấn đề này, y sĩ Hoàng Thị Hiền (chủ phòng khám “chui”) cho biết, bà đang làm việc tại trạm y tế xã Mễ Sở (huyện Khoái Châu). Bà đã được cấp chứng chỉ hành nghề với chuyên môn y sĩ nên ngoài giờ hành chính, bà thường điều trị một số trẻ ở gần nhà và vùng lân cận.

Theo bà Hiền, những bé trai khi được gia đình đưa đến đều có bệnh về bao quy đầu, sưng tấy, bí đái, vạch ra đều thấy đỏ, đau ở đầu, có bã đậu, có mủ. Vì vậy, bà không dùng bất kỳ dụng cụ y tế nào để cắt rạch mà chỉ dùng nước sát khuẩn nhẹ để sát khuẩn. Sau khi trật ra thì làm sạch ổ mủ, ổ bã đậu rồi sát khuẩn cho các cháu. Những trường hợp bị hẹp bao quy đầu thì bà chỉ nhỏ thuốc, lây tay vê cho mềm da đầu ra đưa xuống.

Bà Hoàng Thị Hiền, chủ phòng khám "chui" 

“Trong quá trình sát khuẩn, tôi đều dùng găng tay y tế. Sau khi dùng cho một bé thì bỏ đi. Tôi không biết bệnh các cháu bị bệnh sùi mào gà từ đâu ra nữa”, bà Hiền nói.

Sau đó, bà Hiền hướng dẫn bố mẹ 1 – 2 hôm mang đến rửa, có cháu rửa 2, 3 lần đều sạch,  khỏi. Và hướng dẫn bố mẹ cháu rửa cho con hàng ngày. Còn trong thời gian sống với gia đình các cháu phát sinh bệnh gì thì bà Hiền không thể biết.

Bà Hiền cũng cho hay, mọi người gọi là phòng khám, chứ thực ra chẳng có gì ngoài một chiếc giường và tủ thuốc. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận cơ sở của gia đình chưa được cấp phép hoạt động. Hơn nữa, theo quy định, bà chỉ được thực hiện các dịch vụ tiêm, bông băng theo chỉ định của bác sĩ nên việc cắt bao quy đầu cho các bé là không được phép.

Khi được hỏi về số trẻ đã được thực hiện cắt bao quy đầu tại phòng khám, bà Hiền cho biết không nhớ được vì nhiều quá.

“Chúng tôi không lưu lại hồ sơ bệnh án của các cháu nên không nhớ đã thực hiện cho bao nhiêu bé. Hơn nữa, sau khi cắt thì các bé thường xuyên được đưa đến để khám và kiểm tra lại nên rất khó kiểm soát”, bà Hiền cho hay.

Bà Hiền thực hiện khám - chữa bệnh cho một bé trai ở Hưng Yên (Ảnh cắt từ clip)

Về vấn đền này, ông Lều Văn Quân, Chánh thanh tra sở Y tế Hưng Yên, cho biết, bà Hoàng Thị Hiền là y sĩ làm việc tại trạm Y tế xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đang được tăng cường làm việc tại Trung tâm y tế huyện Văn Giang.

Đối với cơ sở khám, chữa bệnh của bà Hoàng Thị Hiền hiện chưa có giấy phép hoạt động. Từ năm 2016, Phòng Y tế huyện Khoái Châu đã kiểm tra 1 lần tại phòng khám này và thấy tại cơ sở có tủ thuốc, đã yêu cầu dừng hoạt động nhưng xử lý chưa triệt để.

“Hiện tại, Sở Y tế đang tiến hành làm rõ vụ việc. Sau khi có kết luận chứng minh y sĩ Hiền thực hiện thủ thuật khiến các cháu bị sùi mào gà sẽ bị xử phạt theo quy định. Đồng thời, có thể bà Hiền phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân”, ông Quân nói.

Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh cho các cháu, cũng như số lượng trẻ trai bị bệnh xã hội do cắt bao quy đầu tại phòng khám tư. Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hưng Yên xác minh sự việc và báo cáo trước ngày 28/7.

Tác giả: Huệ Anh