Theo Dân Trí, thông tin từ Công an tỉnh Lai Châu cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc ở bản Tà Chải khiến 7 người tử vong (bao gồm cả người chết đang làm đám ma) và 38 người nhập viện, cơ quan điều tra đã khẩn trương vào cuộc để làm rõ nguyên nhân.
Theo thông tin từ CA tỉnh Lai Châu cho biết, ngay khi cơ quan CA nhận được thông tin về vụ ngộ độc nghiêm trọng làm chết nhiều người, Đại tá Bùi Xuân Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp cùng tổ công tác có mặt tại hiện trường phối hợp với lực lượng Biên phòng và Công an huyện Phong Thổ, tiến hành các bước điều tra.
Tại hiện trường, cơ quan điều tra đã tiến hành làm công tác khám nghiệm pháp y, nhanh chóng thu thập chứng cứ. Đêm 13/2, công tác khám nghiệm pháp y đối với các nạn nhân đã được cơ quan điều tra hoàn tất và sáng ngày 14/2, lực lượng Công an đã bàn giao thi hài cho thân nhân để làm thủ tục đám tang theo phong tục địa phương.
Theo cơ quan điều tra, quá trình thu thập chứng cứ bước đầu xác định, ngày 10/2, ông Phù Vần Lẻng, (60 tuổi, dân tộc Hà Nhì), tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến tối ngày 10/2, ông Lẻng có các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi tử vong lúc 22h cùng ngày.
Sau khi ông Lẻng chết, gia đình đã tổ chức hậu sự, nhân dân trong bản Tà Chải đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11,12/2/2017 theo phong tục địa phương.
Đến ngày 13/2 thì bắt đầu xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi dẫn đến tử vong.
Theo Đại tá Bùi Xuân Phong, đến chiều 14/2, vẫn chưa có thể xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc nói trên.
Có nhiều nguồn tin cho rằng có thể các nạn nhân bị ngộ độc do rượu. Nhưng theo cơ quan điều tra, đấy chỉ là giả thiết, còn quá trình điều tra một số nạn nhân hiện đang cấp cứu tại các cơ sở y tế, khai rằng tại đám tang ông Lẻng, họ khẳng định không uống rượu mà chỉ ăn các thức ăn như bánh kẹo, ăn trứng vịt, ăn thịt chó, thịt gà, đậu phụ… nhưng họ vẫn có những biểu hiện lâm sàng như những người đã tử vong.
Theo Đại tá Phong, hiện cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc nói trên và kết quả khám nghiệm tử thi mới có thể khẳng định chính xác.
Hiện CA tỉnh Lai Châu đang phối hợp với chính quyền huyện, xã tuyên truyền nhân dân trên địa bàn không sử dụng thực phẩm nghi vấn và ổn định tình hình nhân dân, tránh đối tượng xấu đưa ra những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ nội bộ nhân dân.
Liên quan đến vụ việc, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm – Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm (bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc số 484/ATTP-NĐ gửi UBND tỉnh và sở Y tế, sở Công Thương tỉnh Lai Châu yêu cầu khẩn trương chỉ đạo, tổ chức cấp cứu cho các bệnh nhân đang điều trị, phối hợp khám, phát hiện và tổ chức chuyển lên tuyến trên những trường hợp nghi ngờ liên quan đến vụ ngộ độc để cấp cứu, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa tử vong.
Đồng thời, cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo khẩn cấp cho người dân dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ; tổ chức điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu để xét nghiệm phát hiện các tác nhân gây ra vụ ngộ độc; truy xuất nguồn gốc để xử lý triệt để các sản phẩm gây ngộ độc; thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, không mua bán, sử dụng các loại thực phẩm, các loại rượu không biết rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường…
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các đơn vị nêu trên báo cáo toàn bộ diễn biến vụ việc, kết quả triển khai khắc phục hậu quả về Cục để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Báo điện tử VOV đưa tin, đến nay, cùng với công tác thăm hỏi hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ sở y tế và các cơ quan chức năng tạo điều kiện tối đa nhất cho công tác cứu chữa các nạn nhân.
Với tinh thần không để người dân thiệt mạng thêm, tỉnh Lai Châu đã thành lập đoàn công tác bám địa bàn để kiểm tra, rà soát thêm những người bị ảnh hưởng nếu có. Chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gần 17 triệu đồng/nạn nhân thiệt mạng và 2 triệu đồng/nạn nhân đang điều trị; đồng thời tuyên truyền, vận động, ổn định đời sống người dân.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lẻng (sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức ăn cơm uống rượu. Đến tối, ông Lẻng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong lúc 22 giờ cùng ngày. Sau khi ông Lẻng tử vong, gia đình tổ chức hậu sự, nhân dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11, 12, 13/2 theo phong tục địa phương.
Theo lời kể của các nhân chứng, tại đám tang, các nạn nhân có uống rượu và ăn bánh kẹo. Sau đó, ngày 13/2 đã xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi tử vong.
Hiện Công an tỉnh Lai Châu đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ nghi ngộ độc khiến nhiều người tử vong này.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Vụ ăn cỗ đám ma 7 người ch.ết ở Lai Châu: Thông tin mới nhất về nguyên nhân ban đầu của vụ việc
-
Vụ ăn cỗ đám ma 7 người ch.ết ở Lai Châu: Công văn hỏa tốc của Cục An toàn thực phẩm về vụ việc
-
Vụ ăn cỗ đám ma 7 người ch.ết ở Lai Châu: Số nạn nhân ngộ độc liên tục tăng đã lên 38 người
-
Vụ ăn cỗ đám ma, 7 người ch.ết ở Lai Châu: Nghi ngờ rượu methanol gây ngộ độc
-
Ít nhất 8 người t.ử v.ong, 15 người nhập viện sau khi ăn cỗ đám ma: Lời kể của nhân chứng về vụ việc