Theo báo Nhân dân điện tử, tính đến chiều tối 14/02, theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, số nạn nhân của vụ ngộ độc đã tử vong và phải đến các cơ sở y tế cấp cứu, theo dõi đã tăng đến 38 người, trong đó có bảy người tử vong.
Theo đó, số nạn nhân ngộ độc nặng phải chuyển lên cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh là tám người, trong đó có ba trường hợp phải chạy thận và lọc máu, một trường hợp của cụ ông 65 tuổi tình trạng có triều hướng xấu và có nguy cơ tử vong rất cao. Trong số 31 nạn nhân phải đến các cơ sở y tế cấp cứu, theo dõi có bốn phụ nữ và một trẻ em.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, số nạn nhân của vụ việc trên có khả năng còn tiếp tục tăng. Nguyên nhân bởi một số lượng lớn người dân tham gia giúp và ăn uống tại đám ma trong ba ngày 11, 12, 13-2, hiện đã đi làm nương, đi chơi hoặc ra khỏi địa bàn. Hiện, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương và các gia đình có người tham dự, ăn uống tại đám ma chủ động liên lạc, tìm kiếm người nhà để kiểm tra các triệu chứng nhằm kiểm soát tình hình.
Liên quan đến vụ việc, theo báo Người đưa tin, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm – Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm (bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc số 484/ATTP-NĐ gửi UBND tỉnh và sở Y tế, sở Công Thương tỉnh Lai Châu yêu cầu khẩn trương chỉ đạo, tổ chức cấp cứu cho các bệnh nhân đang điều trị, phối hợp khám, phát hiện và tổ chức chuyển lên tuyến trên những trường hợp nghi ngờ liên quan đến vụ ngộ độc để cấp cứu, điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa tử vong.
Đồng thời, cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo khẩn cấp cho người dân dừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ; tổ chức điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu để xét nghiệm phát hiện các tác nhân gây ra vụ ngộ độc; truy xuất nguồn gốc để xử lý triệt để các sản phẩm gây ngộ độc; thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, không mua bán, sử dụng các loại thực phẩm, các loại rượu không biết rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường…
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các đơn vị nêu trên báo cáo toàn bộ diễn biến vụ việc, kết quả triển khai khắc phục hậu quả về Cục để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Đồng thời, cục An toàn thực phẩm đã tổ chức đoàn công tác liên ngành với sự tham gia của các cán bộ cục An toàn thực phẩm, các chuyên gia chống độc thuộc Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai đến hiện trường để hướng dẫn điều tra nguyên nhân và tham gia trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục hậu quả sự cố.
Theo đó, tất cả các bệnh nhân đều có chung triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, nhìn mờ, tê bì chân tay và đều liên quan đến ăn cơm, uống rượu ở đám ma ông Phu Vần Lèng (sinh năm 1957 tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Kết quả điều tra ban đầu cho thấy đây là vụ ngộ độc tại bữa ăn gia đình có liên quan đến thực phẩm.
Trước đó, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lẻng (sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức ăn cơm uống rượu. Đến tối, ông Lẻng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong lúc 22 giờ cùng ngày. Sau khi ông Lẻng tử vong, gia đình tổ chức hậu sự, nhân dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11, 12, 13/2 theo phong tục địa phương.
Theo lời kể của các nhân chứng, tại đám tang, các nạn nhân có uống rượu và ăn bánh kẹo. Sau đó, ngày 13/2 đã xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi tử vong.
Danh tính 6 người tử vong trước đó gồm: Chang Mở Giá (SN 1962, dân tộc Hà Nhì), Chang A Bà (SN 1979, dân tộc Hà Nhì), Lý Xa De (SN 1982, dân tộc Hà Nhì), Chanh A Lù (SN 1967, dân tộc Hà Nhì), Ma Già Pô (SN 1978, dân tộc Hà Nh), Chang Di Xa (SN 1982, dân tộc Hà Nhì).