Xuất hiện ca đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản tại Hà Nội: Muốn phòng bệnh cho con hãy đọc ngay bài viết này

( PHUNUTODAY ) - Sở Y tế Hà Nội ngày 20/5 cho biết đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019.

Đó là một bệnh nhi 4 tuổi (ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ). Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật…

Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hiện sức khoẻ đã tiến triển khả quan: giảm sốt, hết co giật.

Năm 2018, ca viêm não Nhật Bản đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện vào trung tuần tháng 6.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt.

Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%). Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản.

Triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản

Hầu hết người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản thường không có triệu chứng hay nếu có cũng chỉ là các triệu chứng nhẹ, tương tự các triệu chứng của bệnh cúm.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1 trên 250 người mắc viêm não Nhật Bản có các triệu chứng nặng hơn khi nó lây lan đến não. Điều này thường xảy ra từ 5 đến 15 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Các triệu chứng bao gồm:

Sốt cao;

Co giật;

Vẹo cổ;

Hay nhầm lẫn;

Không nói được;

Các bộ phận cơ thể run không kiểm soát;

Yếu cơ hay tê liệt.

Có tới 1/3 người bị các triệu chứng nghiêm trọng này sẽ chết vì nhiễm trùng. Ở những người sống sót, những triệu chứng này có xu hướng cải thiện dần dần. Tuy nhiên, có thể mất vài tháng để hồi phục hoàn toàn và có đến một nửa số người sống sót bị tổn thương não vĩnh viễn. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề dài hạn như co giật cơ, thay đổi nhân cách, cơ yếu, khó tiếp thu và tê liệt ở một hoặc nhiều chi.

Phòng ngừa viêm não Nhật Bản

Biện pháp phòng tránh viêm não Nhật Bản là tiêm chủng. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tiêm 3 mũi cơ bản:

- Mũi 1 lúc trẻ đủ 1 tuổi;

- Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

- mũi 3 sau mũi 2 là một năm.

Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngay cả khi đã được chủng ngừa thì vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ bị muỗi chứa virus nhiễm bệnh đốt, ví dụ như:

Xịt thuốc diệt muỗi trong nhà;

Mặc áo, quần dài và vớ dài tay;

Đóng cửa sổ và cửa phòng khi ngủ;

Sử dụng màn ngủ;

Thoa kem chống muỗi lên các vùng da dễ bị muỗi đốt.

Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tác giả: Vũ Ngọc