Hoa hậu Đông Dương thành nữ điệp báo thời Pháp thuộc

( PHUNUTODAY ) - Tuy nhiên sau khi chiến dịch thắng lợi, Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Không ai biết cô còn sống hay đã chết, còn ở Việt Nam hay đã sang Pháp.

Chiến dịch Thu đông 1947 – 1948 đã thành công với chiến thắng lớn thuộc về ta. 6.000 tên lính viễn chinh Pháp đã bị tiêu diệt trong chiến dịch đó. Thắng lợi của chiến dịch này có đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Hồng cùng những thành viên trong tổ điệp báo Sơn Tây. Tuy nhiên sau khi chiến dịch thắng lợi, Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Không ai biết cô còn sống hay đã chết, còn ở Việt Nam hay đã sang Pháp.
[links()]
Nữ điệp báo trong lòng địch

Sau nhiều ngày đen tối ở nhà thổ, Nguyễn Thị Hồng trốn thoát và tìm đường về Hà Nội. Nhưng khi tìm về gia đình ở phố Lambretta, Nguyễn Thị Hồng choáng váng khi cả gia đình đã không còn ai. Sau khi cô con gái bị bắt cóc và bặt vô âm tín, bố mẹ cô đã đau đớn, tuyệt vọng.

Không muốn sống ở nơi có quá nhiều hồi ức đau buồn này, bố mẹ Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng đã bán toàn bộ tài sản rồi chuyển ra nước ngoài sinh sống.

Những tưởng được trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ sau những tháng ngày tủi nhục, bẽ bàng, Nguyễn Thị Hồng lại một lần nữa rơi vào cảnh không biết đi đâu về đâu.

Thời gian đó, cuộc Kháng chiến Toàn quốc diễn ra. Người Hà Nội được yêu cầu tản cư khỏi Thủ đô. Với bào thai đang lớn dần trong bụng, Nguyễn Thị Hồng theo đoàn người tản cư ra vùng kháng chiến. Kiệt sức vì đói và mệt, trên đường tản cư, Nguyễn Thị Hồng đã gục ngã và nằm bất tỉnh bên vệ đường.

Số phận run rủi đã cho Nguyễn Thị Hồng gặp được ông Tường – Trưởng ty Công an Sơn Tây mới nhận chức không lâu. Thời còn đi học và chưa thoát ly đi làm cách mạng, ông Tường cũng là một trong những người trồng cây si tiểu thư Nguyễn Thị Hồng.

Khi chiến dịch Thu Đông (1947- 1948) thắng lợi, Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Không ai biết cô còn sống hay đã chết, còn ở Việt Nam hay đã sang Pháp.
Khi chiến dịch Thu Đông (1947- 1948) thắng lợi, Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Không ai biết cô còn sống hay đã chết, còn ở Việt Nam hay đã sang Pháp.

Sau này, ông Tường thoát ly đi kháng chiến, tin tức về người trong mộng một thuở cũng không còn. Hôm đó ông Tường đi kiểm tra an ninh của đoàn người tản cư về vùng Sơn Tây, thấy một người phụ nữ nằm bên vệ đường, ông đã lại gần và hoảng hốt phát hiện ra người phụ nữ ấy chính là người trong mộng của mình một thời.

Sau vài năm không gặp, ông Tường bàng hoàng vì cô tiểu thư lá ngọc cành vàng, nhan sắc rực rỡ một thời nay đã trở thành một thiếu phụ tiều tụy, xanh xao, gầy guộc, gương mặt lộ rõ vẻ khắc khổ, đau đớn sau một quãng đời kinh hoàng.

Sau khi đưa Hồng về, chăm sóc giúp cô hồi sức, ông Tường đã được Nguyễn Thị Hồng kể cho nghe về quãng đời đau đớn, tủi nhục của mình. Kể đến đâu, nước mắt cô lăn dài đến đó.

Xót xa vì người con gái mình đem lòng thầm thương, nhớ trộm một thời nay rơi vào cảnh bẽ bàng, không nơi nương tựa thế này, ông Tường và những cán bộ ở Ty Công an Sơn Tây đã cưu mang cô.

Trong thời gian đó, ông Tường và những cán bộ Ty Công an Sơn Tây đã giác ngộ cô, truyền cho cô tinh thần yêu nước của những người chiến sĩ cách mạng.

Sau những ngày đen tối, tiếp xúc đủ với những hạng người xấu xa, nay sống trong sự đùm bọc, yêu thương và che chở của những người chiến sĩ cách mạng, lại cảm nhận được tâm hồn trong sáng của họ, Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng đã trở nên hiểu biết và tin tưởng cách mạng.

Vì cảm kích nghĩa cử của những người chiến sĩ cách mạng, sau khi sinh nở, Nguyễn Thị Hồng đã gửi con cho một gia đình hiếm muộn nuôi giúp và nguyện đi theo cách mạng, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho cách mạng.

Nguyễn Thị Hồng có một lý lịch vô cùng hoàn hảo: con gái Hà Nội gốc, con một gia đình tư sản theo đạo Thiên chúa, vóc dáng xinh đẹp, lại giỏi tiếng Pháp và từng giao du với nhiều những sĩ quan cao cấp địch trước đây… chính vì thế ông Tường đã quyết định cho Nguyễn Thị Hồng vào tổ điệp báo Sơn Tây và giao cho cô nhiệm vụ thâm nhập vào sâu trong lòng địch.

Không muốn quay lại quãng đời tủi nhục, nhưng vì nhiệm vụ cao cả, vì tình yêu đất nước và sự giác ngộ về nhận thức, Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng đã chấp nhận dấn thân vào một nơi nước sôi lửa bỏng, với không ít hiểm nguy rình rập để lấy những thông tin quý giá về cho cách mạng.

Với lợi thế về vẻ ngoài, lại hát hay, múa đẹp, Nguyễn Thị Hồng đã tiếp cận những sĩ quan cao cấp của Pháp bằng cách trở thành tiếp viên trong một câu lạc bộ vui chơi của sĩ quan Pháp cao cấp. Ngày ngày, công việc của cô ở câu lạc bộ là múa hát mua vui cho các sĩ quan Pháp.

Những sĩ quan Pháp ở đây biết cô từng là Hoa hậu Đông Dương và là con gái một nhà tư sản giàu có, thì vô cùng tò mò về việc vì sao cô lại trở thành tiếp viên trong câu lạc bộ. Nhưng đáp lại những lời đó, Nguyễn Thị Hồng chỉ mỉm cười với vẻ bí ẩn.

Ở câu lạc bộ nơi Hồng làm việc, chỉ sau một thời gian ngắn cô đến đây, cô đã trở thành ngôi sao của câu lạc bộ. Những sĩ quan Pháp đến câu lạc bộ, ai cũng cố gắng mời bằng được Hoa hậu Đông Dương một thời một ly rượu và trò chuyện với cô đôi ba câu.

Đáp lại những điều đó, Nguyễn Thị Hồng cũng cư xử một cách bặt thiệp, duyên dáng. Với cách trò chuyện thông minh, nhẹ nhàng, lại nói tiếng Pháp trôi chảy, Nguyễn Thị Hồng trở nên thân thiết với tất cả các sĩ quan Pháp đến chơi ở câu lạc bộ.

Đó chính là lúc cô bắt đầu hành động. Thời gian làm việc ở đây, Nguyễn Thị Hồng được nhiều sĩ quan Pháp theo đuổi, trong đó có một Thiếu tá Pháp làm việc ở Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp ở miền Bắc Việt Nam.

Tên Thiếu tá người Pháp này vô cùng si mê sắc đẹp của Nguyễn Thị Hồng. Tối nào hắn cũng đến câu lạc bộ ngồi uống rượu, thưởng thức giọng hát và nhan sắc của cô. Hắn thường tìm cách lân la trò chuyện với cô, với hi vọng chinh phục được trái tim người đẹp.

Để chiếm được tình cảm của cô, hắn bỏ không ít công sức tán tỉnh cô. Hắn mua tặng cô những món quà đắt tiền, nói với cô những lời trên mây và hứa hẹn với cô về một cuộc sống tương lai rực rỡ ở nước Pháp.

Hắn không biết rằng hắn đã lọt vào tầm mắt của cô, trở thành mục tiêu mà cô định tiếp cận để lấy những thông tin mật của quân đội viễn chinh Pháp.

Sau một thời gian qua lại, Nguyễn Thị Hồng tỏ vẻ ưng thuận tình cảm của tên sĩ quan người Pháp. Mừng rỡ vì nhận được cái gật đầu đồng ý của người đẹp, tên sĩ quan Pháp đã ngỏ lời cầu hôn cô và mua cho cô một căn nhà ở phố cổ.

Nguyễn Thị Hồng nghiễm nhiên trở thành vợ chưa cưới của một Thiếu tá Pháp chuyên giúp việc cho Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chính vì thế mà Nguyễn Thị Hồng cũng có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin quan trọng về những âm mưu của Pháp ở Việt Nam.

Đầu những năm 1947, tên Bolaert - Cao ủy Pháp ở Đông Dương đã lệnh cho quân viễn chinh Pháp thực hiện kế hoạch tiến công Việt Bắc.

Âm mưu của bọn chúng là bao vây, chia cắt Việt Bắc, tiêu diệt đường chi viện quốc tế của ta, tiêu diệt cơ quan đầu não cách mạng, nhanh chóng giành chiến thắng quân sự, lập chính phủ bù nhìn rồi kết thúc chiến tranh. 

Pháp đã huy động 12.000 quân viễn chinh Pháp và hầu hết máy bay ở Đông Dương để tấn công Việt Bắc. Kế hoạch của chúng là hành quân theo đường số 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, rồi vòng xuống Bắc Kạn, theo đường số 3, bao vây phía Đông và Bắc Việt Bắc.

Một mũi khác tấn công Bắc Kạn, chợ Mới, chợ Đồn. Âm mưu của chúng là tạo thế gọng kìm bao vây rồi siết chặt vòng vây Việt Bắc.

Khi đó Nguyễn Thị Hồng  - với lợi thế là vợ chưa cưới của Thiếu tá người Pháp làm việc trong quân đội viễn chinh Pháp đã nắm được kế hoạch này. Tay Thiếu tá người Pháp vì quá si mê Nguyễn Thị Hồng nên đã không chút nghi ngờ, đề phòng cô.

Hắn tiết lộ bí mật về cuộc hành quân của Pháp và để tài liệu có liên quan một cách sơ hở, khiến Nguyễn Thị Hồng có cơ hội gửi thông tin về kế hoạch hành quân của Pháp cho tổ điệp báo Sơn Tây.

Nhờ đó những thông tin quý giá và tối mật ấy đã vào tay cách mạng, giúp ta hình dung được cách bố trí binh lính, kế hoạch hành quân và những dự định tấn công của địch, kịp thời ngăn chặn chúng.

Chiến dịch Thu đông 1947 – 1948 đã thành công với chiến thắng lớn thuộc về ta. 6.000 tên lính viễn chinh Pháp đã bị tiêu diệt trong chiến dịch đó. Thắng lợi của chiến dịch này có đóng góp to lớn của Nguyễn Thị Hồng cùng những thành viên trong tổ điệp báo Sơn Tây.

Tuy nhiên sau khi chiến dịch thắng lợi, Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Không ai biết cô còn sống hay đã chết, còn ở Việt Nam hay đã sang Pháp.

Dẫu vậy chiến công và những đóng góp của Nguyễn Thị Hồng trong chiến dịch Thu Đông 1947 vẫn là những cố gắng không thể phủ nhận của người con gái tài sắc một thời, đã hết lòng hi sinh vì cách mạng sau những năm tháng bị vùi dập trong đau đớn và tủi nhục.

Cuộc đời và những công lao của người nữ điệp báo - Hoa hậu Đông Dương Nguyễn Thị Hồng sau này đã được dựng thành bộ phim “Điệp vụ thứ nhất” với nhân vật chính là Kiều Mai. Vai diễn này do nữ diễn viên Quách Thu Phương đảm nhiệm. Bộ phim đã được trao giải Cánh diều Bạc.

(Kỳ I: Hoa hậu Đông Dương thành nữ điệp báo thời Pháp thuộc )

  • PV
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn