03 Trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024: Người dân cần biết

( PHUNUTODAY ) - Từ 1.7.2024, luật Căn cước có hiệu lực. Vậy những ai bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước sau thời điểm này?

Từ 1.7.2024, luật Căn cước có hiệu lực. Vậy những ai phải đổi sang thẻ căn cước sau thời điểm này, liệu có xảy ra tình trạng xếp hàng đi làm thẻ như thời điểm chuyển sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chip?

Từ 1.7.2024, những ai phải đổi thẻ căn cước?

Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực kể từ 1.7.024 tới đây. Không chỉ đơn thuần là đổi tên, thẻ căn cước còn có rất nhiều điểm mới so với thẻ CCCD như mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú", trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải…

Tính đến cuối năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân trên phạm vi toàn quốc. Sau khi luật Căn cước được thông qua, rất nhiều người thắc mắc rằng, hơn 83 triệu thẻ CCCD này có phải cấp đổi sang thẻ căn cước hay không?

Về vấn đề này, ngay tại điều khoản chuyển tiếp, luật Căn cước quy định rõ, thẻ CCCD đã được cấp trước 1.7.2024 sẽ có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Như vậy, người dân có thể yên tâm rằng, nếu đã có thẻ CCCD gắn chip (và vẫn còn hạn sử dụng) thì không cần phải đổi sang thẻ căn cước.

Trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước

Theo quy định tại luật Căn cước, kể từ 1.7.2024, cơ quan chức năng sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước, mẫu thẻ CCCD gắn chip sẽ dừng sản xuất. Một số trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước, gồm:

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

- Thẻ CCCD gắn chip hết hạn sau ngày 1.7.2024 (thời hạn in trên mặt trước, góc dưới cùng bên trái của thẻ), thì phải đổi sang thẻ căn cước.

- Luật Căn cước quy định các loại chứng minh nhân dân sẽ có giá trị đến hết ngày 31.12.2024. Sau thời điểm này, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.

Ngoài ra, người dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu) trong một số trường hợp sau:

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu, thông qua người đại diện. Đây là quy định mới tại luật Căn cước so với luật CCCD, nhằm mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước.

- Công dân đã có thẻ CCCD gắn chip nhưng muốn đổi sang thẻ căn cước.

- Công dân có thay đổi thông tin về nhân thân, thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính…

Liệu có xảy ra tình trạng xếp hàng đi làm căn cước?

Nhiều người băn khoăn, liệu có xảy ra tình trạng người dân phải xếp hàng đi làm căn cước, như thời điểm cấp thẻ CCCD gắn chip năm 2021 hay không?

Thực tế sẽ rất khó xảy ra tình huống trên. Bởi lẽ, việc đổi thẻ căn cước tới đây hoàn toàn khác với việc đổi thẻ CCCD gắn chip năm 2021.

Trước năm 2021, công dân Việt Nam được cấp các loại giấy tờ tùy thân gồm chứng minh nhân dân, thẻ CCCD mã vạch. Cả 2 loại giấy tờ này đều không có chip điện tử - được đánh giá có nhiều điểm ưu việt trong việc lưu trữ và bảo mật thông tin. Khi ấy, ngoài những người thuộc diện bắt buộc theo quy định, cơ quan chức năng còn khuyến khích mọi những người đã có chứng minh nhân dân hoặc CCCD mã vạch (còn thời hạn sử dụng) cũng nên cấp đổi sang CCCD gắn chip, để hưởng các tiện ích do chip điện tử mang lại. Do vậy, đối tượng cấp đổi sang thẻ CCCD gắn chip là rất lớn. Lực lượng công an phải làm việc ngày đêm, kể cả ngày nghỉ; trong khi người dân xếp hàng đi làm thủ tục cấp thẻ.

Còn với lần đổi thẻ căn cước từ 1.7.2024 tới đây, về bản chất, thẻ căn cước chỉ thay đổi tên gọi và một số thông tin in trên mặt thẻ. Công nghệ sản xuất thẻ căn cước vẫn giữ nguyên như thẻ CCCD gắn chip, trong đó có chip điện tử. Hơn nữa, những ai đã được cấp CCCD gắn chip thì không cần phải cấp đổi ngay sang thẻ căn cước, mà có thể sử dụng đến khi hết hạn. Điều này đồng nghĩa, số lượng đối tượng thuộc diện cấp đổi sang thẻ căn cước sẽ ít hơn rất nhiều so với lần cấp đổi sang thẻ CCCD gắn chip năm 2021 nên sẽ không có tình trạng xếp hàng đông nghịt như trước kia.

Tuy vậy, trong trường hợp xảy ra việc người làm thủ tục cấp thẻ căn cước tăng đột biến, Bộ Công an sẽ đáp ứng được vì đã chủ động xây dựng kế hoạch cả về nhân lực và vật lực, đến tận công an cấp xã, để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tác giả: Vũ Thêm