Mốc thời gian quan trọng liên quan đến Chứng minh nhân dân, ai còn dùng phải đặc biệt chú ý

( PHUNUTODAY ) - Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân quan trọng. Tuy nhiên, loại giấy tờ này sắp hết giá trị sử dụng.

Thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân

Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP quy định Chứng minh nhân dân (cả loại 9 số và loại 12 số) có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Từ ngày 1/1/2021, Bộ Công an đã triển khai cấp Căn cước gắn chip thay cho Chứng minh nhân dân (CMND). Nếu theo quy định đã nêu ở trên, CMND được cấp từ cuối năm 2020 được sử dụng đến đến hết năm 2035.

Tuy nhiên, mới đây, Luật Căn cước đã được thông qua. Theo đó, khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước năm 2023 số 26/2023/QH15 quy định CMND còn hạn đến sau 31/12/2024 thì chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024. Như vậy, đến năm 2025, toàn bộ CMND sẽ bị khai tử.

chung-minh-nhan-dan-01

Luật Căn cước mới có quy định chuyển tiếp để tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thẻ Căn cước. Cụ thể, theo Điều 46 của luật này, thẻ Căn cước công dân được cấp trước ngày 1/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ Căn cước.

CMND, CCCD hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Như vậy, những người đang dùng CMND, CCCD hết hạn từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 có thể tiếp tục sử dụng các loại giấy tờ này và chờ đến ngày 1/7/2024 làm thẻ Căn cước mẫu mới.

Bên cạnh đó, các quy định về việc sử dụng CMND, CCCD trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày 1/7/2024 vẫn được áp dụng như với thẻ Căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước mới.

Ngoài ra, những giấy tờ đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng. Luật quy định, cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân trong các giấy tờ đã cấp.

Một số quy định về thẻ Căn cước

Luật Căn cước được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2023. Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, thống nhất đổi thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước. Khoản 1 và khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước quy định Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người. Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

Căn cước sẽ chứa các thông tin như ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng.

Đối tượng được cấp thẻ Căn cước là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu thì thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Trước đay, thẻ CCCD chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn