Tại kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), với đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực từ 1/7/2024.
So với Luật CCCD 2014 thì Luật Căn cước mới tới đây sẽ có nhiều thay đổi rất quan trọng. Ví dụ trước đây, CCCD chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi nhưng nay công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Đối tượng công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng sẽ được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
4 lưu ý quan trọng nhất về Thẻ Căn cước từ 1/7/2024
Thứ nhất, người dân sẽ không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước nếu còn giá trị sử dụng
- Từ ngày 1/1/2025, tất cả CMND chính thức ‘khai tử’ hoàn toàn.
- Thẻ CCCD/CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024 (khoản 3 Điều 46 Luật Căn cước).
- Trường hợp người dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà tiếp tục được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ.
- Trường hợp người dân đang có thẻ Căn cước công dân nếu có nguyện vọng đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi.
- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND/CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng.
Thứ hai, những lợi ích của thẻ Căn cước
- Thẻ Căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thẻ Căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
Thứ ba, nghĩa vụ của người dân
- Công dân Việt Nam trong độ tuổi quy định cần làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
- Người gốc Việt Nam nếu chưa xác định được quốc tịch thì cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước.
- Bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp.
- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử.
- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu.
- Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra.
- Nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
Thứ tư, các hành vi bị nghiêm cấm
- Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
- Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo độ tuổi quy định.
- Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
- Khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Cách sửa lỗi không thể tích hợp Giấy phép lái xe vào VNeID đơn giản nhất
-
3 khoản tiền lương sẽ tăng lên kể từ ngày 1-7-2024: Người dân ai cũng nên biết
-
4 loại giấy tờ nên cập nhật trước khi CMND bị 'khai tử', ai cũng cần biết sớm
-
5 ngành nghề học xong không lo thất nghiệp, thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng
-
4 chính sách mới về BHYT có hiệu lực từ ngày 1/7/2024: Ai cũng nên biết sớm