Khi con cái bước vào tuổi vị thành niên, cha mẹ bỗng thấy con như người lạ trong nhà, lúc nào cũng trái tính trái nết, ngang bướng, không chịu nghe lời. Thời gian này, nếu cha mẹ không có những ứng xử phù hợp, tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ ngày càng xa cách.
Cha mẹ có con cái tuổi teen phải lo lắng nhiều trước những thay đổi về tâm sinh lí của con (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Sau đây là những lí do mà cha mẹ, dù vô tình hay cố ý, đã khiến con không còn gần gũi với mình.
1. Không dành thời gian cho con
Muốn làm bạn cùng con, chắc chắn một điều là các bậc cha mẹ phải dành thật nhiều thời gian cho con, từ khi con mới bập bẹ tập nói cho đến khi con bước vào lứa tuổi vị thành niên. Cha mẹ không làm bạn với con từ khi chúng còn nhỏ thì càng khó làm bạn với con khi chúng đến tuổi vị thành niên.
Cha mẹ lấy lí do mệt mỏi hay bận rộn mà không quan tâm đến con thì không thể tạo được tình cảm gần gũi, gắn bó với con trẻ. Không dành thời gian cho con sẽ dẫn đến không hiểu con và trở nên bị động trong việc dạy dỗ, uốn nắn trẻ. Bên cạnh đó, đứa trẻ cũng sẽ ngày càng trở nên xa cách vì cảm thấy bố mẹ không có thời gian thực sự dành cho mình.
2. Luôn kiểm tra, kiểm soát gắt gao
Khi đã là người bạn lớn của con, là người được con chọn để tâm sự, trao đổi thì người làm cha mẹ cần tôn trọng, tin tưởng và lắng nghe con.
Cha mẹ không nên vì sợ mất con mà kiểm soát con. Chúng ta không nên can thiệp vào quyền riêng tư của con như xem trộm nhật ký, lén kiểm tra tin nhắn, điện thoại, túi xách, kiểm tra facebook và các chương trình video con đã xem…
Bị cha mẹ kiểm soát gắt gao, trẻ sẽ tổn thương và ngày càng khép mình với cha mẹ (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Càng kiểm tra, kiểm soát, con sẽ càng xem cha mẹ giống “cảnh sát” hơn là người bạn. Con sẽ cảm thấy tổn thương và coi sự kiểm soát ấy như một sự xúc phạm lòng tin mà con từng trao cho cha mẹ. Con càng che giấu, khép chặt cửa phòng, trở về với không gian riêng tư và câm lặng. Sự đối thoại giữa con và cha mẹ xem như chấm dứt và khó nối lại được.
3. Hay chê bai, xem thường con
Bố mẹ hay chê trách có thể khiến trẻ mất tự tin. Là người bạn lớn của con, cha mẹ không nên chê bai rồi so sánh con với người khác. Cha mẹ đừng vùi dập suy nghĩ, sở thích, ước mơ của con và bắt con sống theo ước mơ, mong muốn của mình.
Sự chống đối của con cái ở lứa tuổi vị thành niên đối với cha mẹ xuất phát từ tâm lý cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, xem mình là trẻ con, kiểm soát và ngăn cấm mình nhiều mặt theo cái nhìn chủ quan của người lớn.
4. Không lắng nghe con
Trên thực tế, cha mẹ thường không thích nghe và lại càng không thể chấp nhận những buồn phiền, tức giận, chán chường của con. Cha mẹ cũng thường không kiên nhẫn khi dạy con, không dành thời gian dạy con, nhưng lại đòi hỏi con phải làm được. Kết quả giao tiếp giữa bố mẹ với con là đánh, mắng, hù dọa. Các biện pháp này con có thể sợ lúc còn nhỏ nhưng đến lúc lớn con sẽ hết sợ, ngược lại có thể bố mẹ phải sợ con.
Cha mẹ hay rầy la, lên lớp, ra lệnh, con càng có tâm lí bất mãn, chống đối (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Bố mẹ hay mang chuyện cũ ra dạy (thời bố mẹ bằng con thì…) từ đó khiến trẻ không muốn nói chuyện cùng. Cha mẹ dùng những lời giảng đạo dài dòng, lê thê để dạy con cũng chỉ khiến chúng bỏ ngoài tai.
Những ứng xử của cha mẹ như tỏ ra thất vọng với con, rầy la, đe dọa, ép buộc, ra lệnh, lên lớp với con, kêu ca mệt mỏi, so sánh con với những đứa trẻ khác, hay dự đoán tiên tri một cách mỉa mai sẽ chỉ khiến con có tâm lí bất mãn, chống đối.
5. Áp đặt, không tôn trọng ý kiến của con
Việc can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con trẻ cũng tai hại chẳng kém việc không can thiệp gì. Nếu cứ đòi trẻ phải một mực tuân lệnh mình từ những chuyện nhỏ nhặt nhất, lâu dần bạn sẽ khiến con đâm ra u u mê mê - chẳng phân biệt nổi đâu là chuyện nhỏ có thể du di và đâu là hành vi nghiêm trọng không được phép vi phạm.
Trẻ ở tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn dần trưởng thành và có mong muốn rất lớn được thể hiện cái tôi của mình. Cha mẹ không lắng nghe con bằng thái độ tôn trọng, con sẽ không còn muốn trò chuyện chân thành với cha mẹ nữa. Lâu dần, cha mẹ sẽ khó giao tiếp hiệu quả với con, không biết được suy nghĩ thực sự của con mà chỉ nhận lại thái độ đối phó, chống đối của con.
>6 ứng xử khôn ngoan của cha mẹ khi con cái thất bại (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Sau mỗi lần con gặp thất bại, điều bạn cần làm là giúp con có sức mạnh để sửa chữa những sai lầm và tự tin vững vàng vươn lên. |
Tác giả: Đặng Hạnh Nhân