4 cách ứng xử sai lầm của cha mẹ khi con thất bại

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Thay vì tiếp sức giúp con vượt qua vấp ngã, nhiều cha mẹ lại có cách ứng xử sai lầm với thất bại đầu đời của con mình.

Ai trong đời đều cũng sẽ có những lần thất bại, điều quan trọng là thất bại đó phải trở thành động lực và là bài học để chúng ta thành công. Đối với trẻ em, những thất bại đầu đời sẽ là bài học vô cùng quan trọng cho cuộc sống của trẻ sau này. Bởi vậy, cha mẹ ứng xử thiếu khôn ngoan khi con thất bại sẽ tác động rất lớn lên suy nghĩ và cách ứng xử của trẻ sau này.

1. Không quan tâm, hỗ trợ, không can thiệp khi cần

Khi trẻ gặp thất bại đầu đời, chúng thường không biết cách tự vượt qua được như người lớn vì còn thiếu kinh nghiệm hoặc chưa từng trải qua những việc tương tự. Ví dụ như một đứa trẻ được gia đình bao bọc, mọi chuyện luôn thuận buồm xuôi gió, chúng sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thất bại. Đến khi gặp thất bại lần đầu hay khi gặp trở ngại, trẻ dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng, lo lắng, tâm trạng tụt dốc. Với những trẻ khác, đó có thể chỉ là chuyện bình thường nhưng với những trẻ chưa bao giờ gặp thất bại thì đó lại là một cú sốc lớn về tinh thần.

Cha mẹ cần quan tâm, hỗ trợ, can thiệp kịp thời trong những thất bại đầu đời của con (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Lúc này, trẻ dễ rơi vào tâm trạng tụt dốc, không thể vượt qua thất bại để tiếp tục vươn lên. Nếu gia đình không can thiệp ngay, mà để trẻ tự cố gắng thì tình hình có thể ngày càng tệ hơn và rơi vào bế tắc. Cha mẹ cần cùng thảo luận với trẻ để tìm ra nguyên nhân thất bại, từ đó rút kinh nghiệm, thay vì không có sự hỗ trợ nào mà để mặc tâm trạng và thái độ không tốt của trẻ như khóc lóc, đập phá hay suốt ngày ủ rũ.

2. Phán xét, kết tội con

Một số cha mẹ tỏ ra quá quan trọng hoá, mất bình tĩnh khi con không làm được cái này cái kia. Khi thấy con thi trượt, bài kiểm tra bị điểm kém, ngay lập tức nhiều phụ huynh đã lên án, thậm chí kết luận về nhân cách của con "Sao mày ngu thế", "Sao mày dốt thế", hay so sánh với bạn bè của trẻ "Mày học hành thế nào mà để đến mức cô giáo gọi điện cho bố mẹ vậy hả con? Chả như con của bà..."

Bị cha mẹ phủ đầu bằng việc phán xét, kết tội mỗi lần thất bại, trẻ dễ trở nên bất mãn, thiếu tự tin (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Cha mẹ phủ đầu bằng việc phán xét, kết tội thì sau đó có nói gì trẻ cũng sẽ không nghe, thậm chí tỏ thái độ ghét bố mẹ. Ngoài ra, những mắng nhiếc trẻ quá mức mỗi khi trẻ thất bại sẽ chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi, bất mãn, thiếu tự tin.

3. Đánh giá thấp trẻ, coi thất bại là đương nhiên

Những cha mẹ luôn đánh giá thấp khả năng của con mình, ít kì vọng, luôn coi con là đứa kém cỏi, thất bại là đương nhiên thì trẻ cũng sẽ có tâm lý như vậy. Chúng sẽ ỷ lại, không chịu cố gắng, cho rằng có cố gắng cũng vô ích.

Bị cha mẹ đánh giá thấp khả năng, trẻ sẽ thiếu niềm tin vào bản thân, thiếu ý chí phấn đấu, dù sao bố mẹ cũng chẳng mong đợi gì ở mình, không làm được thì thôi. Khi thất bại trở thành chuyện đương nhiên, chẳng có gì quan trọng thì người ta sẽ không cần cố gắng để thành công nữa.

4. Quá quan trọng hóa, lo lắng quá mức

Mỗi con người trong quá trình lớn lên, trưởng thành đều không thể tránh khỏi đôi lần thất bại. Tất nhiên cũng có những đứa trẻ gặp nhiều thất bại hơn con số một, hai lần. 

Không muốn thừa nhận thất bại của con, bố mẹ vô tình gây nên áp lực cho con trẻ (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Nhiều phụ huynh lại mong muốn điều vô lý là con mình không bao giờ thất bại, không được phép thất bại. Đôi khi cũng là vì bố mẹ nhìn con cái thất bại thường lo lắng không yên, e sợ rằng tương lai của con rồi cũng chỉ dắt dây thất bại. Sự lo ngại này đẩy nhiều bố mẹ đến tư tưởng tìm mọi cách để con không phải đối mặt với thất bại nữa. Không muốn thừa nhận thất bại của con, bố mẹ vô tình gây nên áp lực cho con trẻ.

Thay vì dạy con cách vượt qua những tình huống khó khăn bằng cách rút kinh nghiệm thì lại cấm con không cho làm việc đó nữa hoặc tìm cách đổ lỗi thất bại cho ngoại cảnh hay một ai khác... Điều này sẽ khiến trẻ luôn ở trong tâm lý "sợ thất bại", "sợ sai" mà trong mọi việc luôn không dám nói, không dám làm. 

Thực ra, thất bại không hẳn là một điều tồi tệ. Con người ta khi thành công không học được điều gì và sẽ quên ngay, nhưng khi gặp thấp bại, họ lại nghiền ngẫm để rút ra bài học từ chính thất bại của mình. Vì vậy, cha mẹ cần nhìn nhận mặt tích cực và những lợi hại mỗi khi con mình thất bại để có cách ứng xử bình tĩnh, đúng đắn.

5 kiểu cha mẹ dễ có con thất bại khi trưởng thành
5 kiểu cha mẹ dễ có con thất bại khi trưởng thành
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Cha mẹ nào cũng muốn con cái thành công. Tuy nhiên, dù vô tình hay cố ý, những hành vi và cách dạy dỗ sau có thể biến con thành người thất bại.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn