Mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh là mối quan tâm hàng đầu của người tham gia BHYT. Dưới đây là một số thông tin quan trọng về BHYT trong năm 2023 người dân cần nắm rõ.
Theo quy định, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc hoặc mua BHYT tự nguyện đều phải đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại một cơ sở y tế tuyến địa phương ở cấp huyện, thị xã nơi sinh sống hoặc làm việc. Việc khám, chữa bệnh ở cơ sở y tế khác thuộc cấp tỉnh, thành phố hoặc ở một huyện, thị xã không phải nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu có thể được coi là khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến (trừ một số trường hợp).
Hiện nay chưa có quy định cụ thể bằng văn bản chỉ rõ về khái niệm BHYT trái tuyến. Tuy nhiên, Điều 11, Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Cụ thể như sau:
- Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
- Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền).
- Người có thẻ bảo hiểm y tế được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn."
- Trường hợp cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào.
- Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo.
- Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.
Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu".
Như vậy, các trường hợp tham gia khám, chữa bệnh BHYT không thuộc 6 trường hợp nêu trên được coi là khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến/không đúng tuyến.
Lưu ý, khám, chữa bệnh BHYT thông tuyến là một trường hợp đặc biệt của khám BHYT trái tuyến. Theo Khoản 4, Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2014 khám BHYT thông tuyến sẽ được tính như khám BHYT đúng tuyến.
5 trường hợp chữa bệnh trái tuyến vẫn được hưởng 100% BHYT
Căn cứ theo Điều 22, 23 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và Khoản 15, 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, có một số trường hợp đặc biệt người tham gia BHYT khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến vẫn nhận được mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như đúng tuyến. Cụ thể:
(1) Người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện đi KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị trong phạm vi mức hưởng của thẻ BHYT.
(2) Người có thẻ BHYT đi KCB tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị trong phạm vi mức hưởng của thẻ BHYT.
(3) Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi mức hưởng của thẻ BHYT (bao gồm chi phí điều trị ngoại trú và nội trú.
(4) Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong phạm vi mức hưởng của thẻ BHYT.
(5) Từ ngày 01/01/2021, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng của thẻ BHYT (hiện hành, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng của thẻ BHYT).
Tác giả: Thạch Thảo
-
Những khoản tiền của người lao động sẽ tăng từ 01/7/2023
-
Thuê bao đăng ký bằng CMND cũ có bị khoá SIM sau ngày 31/3 không?
-
Cách kiểm tra thông tin cá nhân của thuê bao di động đã chính xác hay chưa?
-
Loài cá nhìn như chiếc lá cây khô nhưng có giá lên tới cả triệu đồng/con
-
Sau 31/3, sim di động đăng ký bằng số CMND cũ có bị khóa không?